Năm 2021, tổng số tiền đầu tư vào ngành chip của Trung Quốc đã lên đến 387,6 tỷ nhân dân tệ (57,8 tỷ USD), trong khi năm 2020 chỉ có 109,8 tỷ nhân dân tệ (16,4 tỷ USD). Dù được đầu tư mạnh nhân sự trong lĩnh vực này luôn thiếu hụt. Sina dẫn một nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, Trung Quốc vẫn thiếu khoảng 200.000 kỹ sư trong lĩnh vực này.
Cơn khát nhân sự đã bắt đầu từ cuối 2019 và trở nên trầm trọng khoảng nửa đầu năm nay. Đài Loan đã nhiều lần lên tiếng phản đối các công ty Trung Quốc "săn trộm" kỹ sư chip.
English Fei, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Zhongguancun Zhiyou Angel, cho biết: "Nhiều công ty sản xuất chip đã đến tận các trường đại học, đặt trước hợp đồng với sinh viên sắp tốt nghiệp. Nhiều kỹ sư chỉ với một chút kinh nghiệm đã trở thành ngôi sao được sắn đón trên thị trường tuyển dụng nhân sự".
Xiao Cao, kỹ sư thiết kế SoC, mới gia nhập một công ty chip được nửa năm. Dù ít kinh nghiệm, mỗi tuần anh đều nhận được 4-5 cuộc gọi từ các công ty tuyển dụng. Anh cho biết mức lương mới được chào mời có thể cao hơn 20-30% so với hiện tại, một số startup sẵn sàng trả lương cao hơn 50%.
"Trước đây chỉ những kỹ sư có ít nhất hai năm kinh nghiệm mới được các công ty tuyển dụng để mắt tới. Nhưng giờ ngay cả những người mới ra trường như tôi cũng được săn đón mỗi ngày", Cao nói.
Theo các chuyên gia, so với lĩnh vực Internet, ngành chip có những đặc thù nhất định. Những người ra trường, đi làm được phải có trình độ học vấn tối thiểu là thạc sĩ. Do đó thị trường tuyển dụng vô cùng cạnh tranh. Wang Allan, nhà sáng lập công ty tuyển dụng JobMorse cho biết: "Chúng tôi không thể tìm thấy ứng viên mới trong một thời gian dài. Thị trường tuyển dụng quá nhỏ. Các ứng viên cũng đang khá thận trọng khi xem xét công việc mới".
Khi nhân tài thiếu hụt, mức lương trong ngành cũng bắt đầu tăng cao. "Lương của kỹ sư chip đang cao hơn nhiều so với giá trị thật. Vài năm trước, thạc sĩ mới tốt nghiệp được trả trung bình khoảng 200.000 USD một năm. Đến nay, con số này đã lên đến 400.000 USD. Đây là con số mơ ước, thường chỉ thấy ở những Big Tech", Allan cho biết. Với kỹ sư có 3-5 năm kinh nghiệm, một số công ty khởi nghiệp thậm chí bỏ ra 700.000-1.000.000 USD tiền lương mỗi năm để giữ chân nhân tài. Allan lưu ý mức lương triệu USD không phổ biến, nhưng nó cho thấy cơn khát nhân sự đã trầm trọng đến mức nào.
Nhiều người cho biết lương của kỹ sư chip đôi khi cao hơn cả quản lý của họ. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng được săn đón. Lao động ngành này chia làm ba nhóm cơ bản là thiết kế, sản xuất và đóng gói. Nhân sự đang thiếu hụt nhiều nhất chủ yếu làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do dẫn đến cơn khát ở Trung Quốc là quá nhiều công ty mới được thành lập. Chỉ trong năm 2021 đã có hơn 600 công ty khởi nghiệp liên quan đến chip được cấp phép. Đây đều là doanh nghiệp non trẻ, nhận được nguồn vốn khổng lồ nên sẵn sàng vung tiền để chiêu mộ nhân tài.
Mặt khác, Trung Quóc không có sẵn nguồn nhân sự dự trữ. "Báo cáo về sự phát triển nhân tài ngành vi mạch tích hợp của Trung Quốc", công bố năm 2021, cho thấy năm 2020, số sinh viên tốt nghiệp liên quan đến mạch tích hợp khoảng 210.000 người, tương đương 13,7% sinh viên ngành chip.
Nhiều năm trước đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc không được coi trọng. Hơn 80% sinh viên ra trường đều chọn việc trái ngành hoặc phải chờ rất lâu mới có việc. Dù gần đây lương của kỹ sư đã tăng cao, mặt bằng chung trong nhiều năm qua cho thấy đây vẫn là ngành có thu nhập thấp.
"Sách trắng tài năng vi mạch Trung Quốc" trong giai đoạn 2019-2020 cho thấy lương trung bình của kỹ sư ngành này là 12.326 nhân dân tệ (1.800 USD) một tháng. Trong khi những người làm việc trong bộ phận R&D được trả 20.601 nhân dân tệ (3.000 USD). Việc trả lương không tương xứng trong quá khứ đã khiến ngành chip Trung Quốc mất đi nhiều tài năng vào các công ty Internet.
Hơn nữa, hầu hết tài năng chip có học vấn từ tiến sĩ trở lên đều chọn các công ty nước ngoài để làm việc. So với các nước phương Tây, Trung Quốc vẫn chậm chân trong việc thu hút nhân tài. "Ngoài mức lương cao, họ có thể được học hỏi nhiều hơn, con đường phát triển sự nghiệp cũng tương đối ổn định nếu làm cho công ty nước ngoài", Xiao Cao nói.
Giáo sư Wang Zhihua tại Đại học Thanh Hoa cho biết: "Việc thiếu nhân tài trong lĩnh vực vi mạch tích hợp không thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Vấn đề săn trộm lẫn nhau giữa các công ty không phải giải pháp lâu dài".
Khương Nha (theo Sina)