Những nghiên cứu mới đây cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, đàn ông Nhật Bản không còn giữ vai trò lao động chính trong gia đình do thu nhập của họ tăng chậm. Đồng thời, ngày càng nhiều phụ nữ đi làm khiến những người vợ, người mẹ Nhật Bản có tiếng nói hơn, theo Bloomberg.
Để ứng phó với tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, phụ nữ Nhật Bản, nắm giữ "tay hòm chìa khóa" trong các gia đình, đã cắt tiền tiêu vặt của chồng, theo kết quả khảo sát của ngân hàng Shinsei vừa công bố tuần trước.
Số liệu thống kê cho thấy trong vòng hai thập kỷ qua, mức lương trung bình của lao động nam giới tại Nhật Bản đã giảm 0,5%. Tỷ lệ lạm phát đi ngang, thậm chí có giai đoạn xảy ra giảm phát, không tác động đáng kể đến sức mua của đồng yên nhưng tốc độ tăng lương chậm vẫn khiến nhiều gia đình phải co kéo chi tiêu.
Trong khi đó, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động đã đẩy thu nhập của những người mẹ, người vợ tăng 15% trong vòng 20 năm qua. Khảo sát của ngân hàng Shinsei chỉ ra lần đầu tiên trong một xã hội bảo thủ và "trọng nam khinh nữ" như Nhật Bản, những đứa con tôn trọng và đánh giá cao vai trò của người mẹ hơn bố.
Theo nghiên cứu của Viện Hakuhodo, một trong những công ty quảng cáo lớn nhất tại Nhật Bản, khoảng 68,1% số trẻ em được hỏi cho biết chúng tôn trọng vai trò của mẹ trong gia đình. Kể từ năm 1997, đây là lần đầu tiên, tỷ lệ trẻ em nói tôn trọng mẹ cao hơn con số 62% trẻ em dành sự tôn trọng cho bố.
"Chúng tôi cho rằng vai trò của cha mẹ (trong gia đình) đang thay đổi do ngày càng nhiều hộ gia đình có cả chồng lẫn vợ đi làm, " Viện Hakuhodo nhận xét.
"Giờ đây, nhiều bà mẹ đi làm hơn. Họ tiếp tục sự nghiệp của riêng mình bên cạnh việc chăm sóc gia đình", nghiên cứu chỉ ra trước kia, theo truyền thống, phụ nữ Nhật Bản, dù có năng lực và bằng cấp, sau khi kết hôn sẽ bỏ việc để chuyên tâm chăm sóc gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào chồng.
"Chúng tôi nghĩ do được trực tiếp nhìn thấy sự thay đổi đó, những đứa con tôn trọng mẹ hơn", theo chuyên gia của Hakuhodo.
Vai trò của người phụ nữ và đàn ông trong các gia đình Nhật Bản đang từng bước thay đổi. Phụ nữ không còn ở nhà nữa và đàn ông tham gia nhiều hơn vào công việc chăm lo con cái.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, vấn đề bình đẳng nam nữ tại Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài. Theo luật lao động, sau khi sinh con, cả cha và mẹ được hưởng số ngày nghỉ phép như nhau nhưng năm ngoái, chỉ có 3% lao động nam dùng hết phép và có đến 57% nhân viên nam nghỉ phép dưới 5 ngày vào năm 2015 khi vợ sinh con. Con số này thấp hơn rất nhiều với mức 82% nghỉ thai sản của phụ nữ, theo báo cáo của Bộ Lao động.
"Đàn ông Nhật Bản vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn", Koya Miyamae, chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities nhận định về tình trạng lương không tăng, thuế cao, dân số già đang khiến cánh mày râu Nhật chật vật duy trì vị thế và tiếng nói của mình trong xã hội.
An Hồng