Chỉ sau vài chén rượu, đàn ông Nhật Bản cảm thấy cởi mở và dễ nói chuyện hơn, dựa vào đó, họ xây dựng và củng cố niềm tin với nhau, Business Insider dẫn lời của giáo sư Erin Meyer đến từ trường kinh doanh nổi tiếng nhất châu Âu INSEAD.
Người Nhật vốn kiệm lời và tế nhị nên đôi khi có điều muốn nói nhưng họ không thể thốt ra ở chốn công sở.
"Văn hóa Nhật coi trọng tính hòa hợp tập thể và tránh biểu hiện mâu thuẫn ra mặt. Khi đi uống rượu cùng nhau, người ta có cơ hội để thả lỏng và nói ra những suy nghĩ thật", giáo sư Meyer viết.
"Do vậy, người Nhật uống rượu khi muốn thắt chặt tình cảm không chỉ với đối tác mà còn với những người cũng làm việc trong một đội".
Uống rượu thậm chí đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Nhật đến mức mà càng uống nhiều, bạn càng trở nên đáng tin cậy trong mắt đối phương.
"Khi ai đó 'uống đến say mèm' cùng bạn, họ muốn chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng rũ bỏ hoàn toàn mọi phòng thủ trước bạn", theo Meyer.
Thay đổi truyền thống
Theo kết quả khảo sát của trang WineBazaar hồi đầu năm, 39,8% nam giới Nhật Bản ở độ tuổi 20 được hỏi cho biết họ hoàn toàn không uống rượu. Con số này cao hơn hẳn 25% số đàn ông ngoài 60 tuổi không uống rượu, theo South China Morning Post.
Kể từ những năm 1980, tiệc tùng trở thành một phần không thể thiếu trong môi trường công sở ở Nhật. Nhưng ngày nay, lượng tiêu thụ rượu đã giảm xuống còn 89% so với mức đỉnh điểm vào năm 1996.
"Không có ai mà tôi quen uống rượu nhiều như trước kia", nhân viên văn phòng Sho Hosomura nói với This Week in Asia.
"Tôi không thích đi uống rượu với sếp và đồng nghiệp nhưng khi đi chơi với bạn thì tôi có uống", thanh niên 29 tuổi này nói.
"Tôi nghĩ những người trẻ cưỡng lại áp lực (phải đi uống rượu) với cấp trên và đến một lúc nào đó sếp chẳng còn buồn rủ họ đi uống cùng nữa vì biết trước câu trả lời rồi".
"Đã có một sự chuyển biến lớn trong xã hội Nhật Bản khi đề cập đến văn hóa uống rượu", phó giáo sư Stephen Nagy giảng dạy tại một trường đại học ở Tokyo nói.
"Thanh niên ngày này tích cực chăm sóc con cái hơn thế hệ cha mẹ họ, một phần vì họ không muốn lặp lại cảnh ngày xưa khi các ông bố đi làm suốt và cả ngày không thấy mặt con", ông Nagy nói.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy thu nhập của người trẻ ở Nhật đã chững lại trong vòng hai thập kỷ qua. Để tiết kiệm tiền, nhiều người chọn cách đi thẳng về nhà sau giờ làm thay vì đi chè chén với đồng nghiệp.
Và cuối cùng, phụ nữ Nhật ngày này không chấp nhận để chồng đi làm đến tối muộn rồi đi uống rượu say mèm đến khuya. Họ muốn chồng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
An Hồng