Một nhóm nhà thiên văn học đã phát hiện những luồng khí khổng lồ được phóng ra từ Orion KL Source 1, một ngôi sao đang hình thành cách Trái Đất 1.400 năm ánh sáng, theo Phys.
Hình ảnh thu được từ cụm đài thiên văn vô tuyến cỡ lớn đặt tại sa mạc Atacama (ALMA), Chile cho thấy các dòng khí bắn ra khỏi ngôi sao trong quá trình nó hình thành. "Kết quả này cho chúng tôi những thông tin quan trọng về cơ cấu hoạt động của dòng khí", tiến sĩ Tomoya Hirota, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Sao được sinh ra từ những khối bụi và khí lớn trong không gian, nhưng các nhà thiên văn học chưa hiểu được cách những ngôi sao khổng lồ hình thành từ phương thức này. Một vấn đề quan trọng chính là quá trình quay của khối khí. Đám mây ban đầu quay rất chậm, sau đó tăng tốc dần khi kích cỡ bị thu nhỏ do trọng lực.
Các ngôi sao hình thành từ quá trình này đáng lẽ phải có tốc độ quay rất lớn, nhưng quan sát hiện tại cho thấy chúng quay chậm hơn nhiều. Một giả thuyết là những khối khí bắn ra từ ngôi sao sẽ làm giảm đà quay và hãm dần tốc độ của nó.
Quan sát của ALMA đã xác nhận giả thuyết này. Dòng khí được bắn ra từ rìa đĩa bụi và khí, thay vì gần ngôi sao trẻ đang hình thành. Tiến sĩ Hirota cho biết sẽ cần nghiên cứu thêm nhiều thiên thể khác, trước khi giả thuyết này có thể được hoàn thiện.
Tử Quỳnh