Luật hiện hành quy định mức đóng của người lao động và chủ sử dụng trong khu vực bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội là 25,5%, bao gồm quỹ thành phần Hưu trí tử tuất 22%, Ốm đau thai sản 3% và 0,5% vào quỹ Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; 4,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế và 2% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng mức đóng 32% tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH.
13 hiệp hội doanh nghiệp hôm 23/10 cho rằng tổng mức đóng cao, kiến nghị giảm còn 24%. Trong đó, tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội là 19,5% (Hưu trí tử tuất 16%; Ốm đau thai sản 3%, Tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 0,5%). Tỷ lệ đóng các quỹ còn lại gồm Bảo hiểm y tế 3% và Bảo hiểm thất nghiệp 1%.
Tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội theo đề xuất của các hiệp hội được áp dụng trước năm 2009, thời điểm một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2006 chưa có hiệu lực. Luật quy định từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần, lao động đóng thêm 1% mức tiền lương, tiền công vào Quỹ Hưu trí tử tuất cho đến khi đạt 8% và chủ sử dụng 14%.
Từng tham gia sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội 2006, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân lý giải tỷ lệ đóng tăng theo lộ trình hai năm thêm 1% để chống sốc cho chủ sử dụng lẫn người lao động. Mục tiêu là nâng dần mặt bằng lương hưu khi nền lương tính đóng BHXH quá thấp. Năm 2009, lương tối thiểu chung mới đạt 650.000 đồng mỗi tháng.
"Việt Nam chọn mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo nhằm cân đối độ bền của Quỹ Hưu trí tử tuất", ông giải thích, thêm rằng các hiệp hội so sánh với nhiều nước song mô hình đóng - hưởng BHXH không tương đồng. Có nước dựa trên tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Theo ông Huân, trong bối cảnh hiện nay khó giảm được tỷ lệ đóng BHXH vì liên quan lương hưu và thụ hưởng các chế độ của người lao động. Song với quỹ tọa chi (chi trừ dần hàng năm) như Bảo hiểm thất nghiệp nên nghiên cứu giảm dần mức đóng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí. Việc duy trì mức đóng 2% giúp nguồn thu vào quỹ ngày càng lớn, nhưng chi phí doanh nghiệp tăng.
Nhiều nước điều chỉnh bằng cách giảm đóng, tăng chi khi nguồn thu lớn và ngược lại chi nhiều thì tăng tỷ lệ đóng. Tại Việt Nam, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mỗi bên 1% áp dụng từ năm 2009 đến nay, tức sau 14 năm chưa thay đổi, trong khi các quỹ ngắn hạn 3-5 năm phải rà soát mức đóng - hưởng và điều chỉnh nếu cần thiết.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng chỉ nên giảm tỷ lệ đóng góp vào các quỹ trong lúc cấp bách như Covid-19, về lâu dài thì không hợp lý. Bởi đóng góp để có nguồn thu chi trả các chế độ ngắn hạn lẫn dài hạn lúc bình thường và xử lý nhiều vấn đề khi bất thường. Đơn cử như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn đã hỗ trợ hàng chục triệu lao động trong đại dịch với mức 1,8-3,3 triệu đồng.
Theo ông, có hai vấn đề liên quan đến hưu trí, tử tuất mà dư luận nhìn vào luôn cho rằng hệ thống vận hành kém, nhưng thực tế không phải. Thứ nhất, dư luận cũng như hiệp hội doanh nghiệp chỉ nhìn vào tổng mức đóng 32%, trong đó 22% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, nhưng lại không xem xét tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam tới 75%. Nếu tính bình quân toàn hệ thống, tỷ lệ hưởng lương hưu của người Việt khoảng 53-54% trong khi Thái Lan hoặc Indonesia chỉ trên 40%.
Thứ hai, phần lớn lao động không đóng BHXH trên thu nhập thực tế mà dựa trên thỏa thuận với giới chủ. Thu nhập của họ có thể tới 20-30 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 10 triệu, công nhân thu nhập 7-8 triệu và đóng BHXH trên nền 4-5 triệu đồng. Với mức đóng hưởng như hiện hành, khi về hưu lao động chỉ nhận được 3-4 triệu đồng và thắc mắc vì sao thấp. Thực tế, nhiều lao động không biết doanh nghiệp đang đóng BHXH cho mình ở mức nào.
Lương hưu thấp trong khi mức sống ngày càng cao lên và nguyên tắc Chính phủ luôn điều chỉnh để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người về hưu. GS Long lấy ví dụ người về hưu lĩnh lương 3 triệu trong khi phải 5 triệu mới đảm bảo mức sống. 2 triệu đồng bù đắp này lấy ở đâu ra? Chắc chắn không thể từ Quỹ Bảo hiểm xã hội vì lao động đã hưởng đúng tỷ lệ dựa trên số năm đóng rồi, chỉ còn cách lấy từ ngân sách.
Ngân sách được đóng góp từ thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp và nhiều nguồn thuế khác. Nếu lao động đóng BHXH ở mức thấp, lương hưu đương nhiên thấp theo, Chính phủ phải điều chỉnh để bù đắp mức sống tối thiểu. "Điều này đồng nghĩa với việc cấu chỗ này bù chỗ kia, tức là thế hệ tương lai sẽ phải đóng thêm thuế để bù đắp cho phần thiếu hụt mà thế hệ hiện tại đóng thấp gây ra. Thế hệ con cháu sẽ thêm gánh nặng trong khi đáng lẽ họ chỉ cần đóng góp cho phần của mình", GS Long phân tích, ví von tình trạng này là "bóc lột liên thế hệ".
Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, cho rằng giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ hưởng lương hưu, khiến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH khác của lao động còn thấp hơn so với hiện hành. Đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn hiện nay của Việt Nam.
Việt Nam có tỷ lệ đóng BHXH cao so với một số nước trong khu vực, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tương ứng 30 năm tham gia BHXH với nữ và 35 năm với nam, cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Như vậy, tỷ lệ tích lũy cho mỗi năm đóng BHXH khoảng 2,14% với nam và 2,5% với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ được tính 1% và bình quân của thế giới là 1,7%.
Tỷ lệ đóng cao và hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của người lao động lại thấp. Mức lương hưu bình quân hiện chỉ đạt 5,4 triệu đồng. Nguyên nhân là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp.
Luật đã quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng BHXH gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động. Song nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.
"Có doanh nghiệp tách thành hàng chục khoản phụ cấp, phúc lợi để không phải tính đóng BHXH", ông Cường nêu thực tế, thêm rằng nền lương đóng BHXH thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, đặc biệt là tiền lương hưu sau này của người lao động.
Thống kê năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng, tăng 1,4 triệu so với năm 2016 - thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp trưng hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và gần như không thể tính đóng BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 6 đang diễn ra, thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Hồng Chiêu