Cơ quan này trình Chính phủ dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, sau khi lấy ý kiến bộ ngành từ giữa tháng 3. Mức tăng 15% được đánh giá đảm bảo bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019-2021 và hai năm qua đã không điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 có mức thấp cũng sẽ được điều chỉnh bù thêm để đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Cụ thể, người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; nếu mức hưởng dao động từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng thì điều chỉnh sao cho đủ 2,5 triệu đồng.
Dự kiến hơn 878.000 người thuộc 8 nhóm được thụ hưởng chính sách mới này. Trong đó có cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hưởng trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương...
Kinh phí ngân sách nhà nước tăng thêm nếu điều chỉnh từ đầu năm 2022 là hơn 6.300 tỷ đồng, tăng chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội gần 20.591 tỷ đồng.
"Với số tiền trên, ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm đủ sức chi trả. Chính sách thể hiện nỗ lực của nhà nước trong đảm bảo đời sống người nghỉ hưu. Việc tăng còn để rút bớt khoảng cách giữa người hưởng lương hưu cao và thấp", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải.
Hồng Chiêu