33 năm trước, ông Cao Văn Sang, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, đã nhận ra nguy cơ của làn sóng rời bỏ lương hưu nếu cho người lao động rút bảo hiểm một lần, nhưng không cách nào ngăn được.

Năm 1990, ông Sang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM điều về làm lãnh đạo Công ty Bảo hiểm xã hội ngoài quốc doanh (sau này là Bảo hiểm xã hội TP HCM). Đây là năm khởi đầu cho mục tiêu tất cả lao động đều có lương hưu khi về già - giấc mơ vốn chỉ dành cho người làm nhà nước. Cùng thí điểm với TP HCM còn có Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công ty ông Sang mang khí thế của một cuộc cải cách. Việc đầu tiên phải làm là xây dựng Điều lệ bảo hiểm tuổi già tạm thời với lao động ngoài quốc doanh. Ông và đồng nghiệp dành hàng tháng trời nghiên cứu dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mô hình bảo hiểm ở nhiều nước, và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Mọi quy định chỉ hướng tới một đích đến: ai về già cũng có lương hưu. Khái niệm "rút bảo hiểm xã hội một lần" chưa từng được đề cập. Người lao động chỉ nhận trợ cấp trước hạn trong trường hợp: hết tuổi làm việc mà chưa đủ thời gian đóng để hưởng hưu trí, xuất cảnh hoặc qua đời.

Tuy nhiên, TP HCM sớm nhận ra lỗ hổng then chốt. Ở khối nhà nước, toàn bộ thời gian làm việc của lao động được lưu lại trong hồ sơ cá nhân. Đây là căn cứ để xem xét quá trình công tác và trả lương hưu. Trong khi đó, người lao động khối tư nhân thường xuyên đổi việc mà không có giấy tờ nào lưu giữ thông tin nơi làm cũ.

Nhằm gỡ nút thắt này, TP HCM "chế" ra "Sổ Bảo hiểm tuổi già". Cuốn sổ ghi lại toàn bộ quá trình làm việc, giống như khế ước giữa người lao động và quỹ bảo hiểm. Cách làm của TP HCM bắt đầu cho kết quả khi thu hút hơn 57.000 lao động tham gia trong 5 năm. Chỉ 1,7% nhận trợ cấp một lần, lý do chính là xuất cảnh hợp pháp.

Hết thí điểm, mô hình được nhân rộng ra toàn quốc. Năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị định 43 chính thức mở rộng BHXH ra mọi thành phần kinh tế. Nguồn quỹ dựa trên đóng góp của hai bên - doanh nghiệp (15% quỹ lương) và người lao động (5% lương hàng tháng).

Nhiều kinh nghiệm từ mô hình thí điểm được tiếp thu. Trong đó, rút BHXH một lần chỉ dành cho người đến tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm, hoặc suy giảm sức khỏe từ 61%. Tuy nhiên, sáng kiến về Sổ bảo hiểm tuổi già của TP HCM không vào được nghị định.

Lỗ hổng nhanh chóng xuất hiện. Không có sổ ghi nhận quá trình nộp bảo hiểm, một số lao động nghỉ việc, đòi lại phần lương đã trích đóng vì lo không được hưởng lương hưu. Chính quyền "chữa cháy" bằng cách trả lại người lao động khoản tiền họ đã góp.

"Đây chính là tiền đề của rút bảo hiểm một lần dù chưa đến tuổi hưu", ông Sang nói.

Sau đó, quy định về sổ bảo hiểm được bổ sung. Thế nhưng, hệ quả của nó - cơ chế cho phép người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần, được đưa vào Bộ luật Lao động đầu tiên của Việt Nam.

"Đáng lẽ phải dừng việc này lại ngay khi có sổ bảo hiểm", ông Cao Văn Sang nói. "Có lẽ những nhà làm luật khi đó không lường được việc cho phép nhận trợ cấp một lần sẽ trở thành điểm nghẽn của chính sách BHXH sau này".

Lo lắng của ông Sang đã thành hiện thực.

Cuộc cải cách mang sứ mệnh ai về già cũng có lương hưu, nhưng lại trở thành ba thập kỷ giằng co đóng - mở quy định rút bảo hiểm một lần. Nhà chức trách ít nhất hai lần cố gắng huỷ bỏ điều này, song bất thành.

Click vào từng mốcđể xem thêm về tình tình tham gia và rút BHXH

30 năm đóng - mở chính sách rút BHXH

Số người tham gia và rút BHXH

Chạm để xem chi tiết

Cuộc giằng co ba thập kỷ

Năm 2003, vừa hết Tết, hàng nghìn công nhân nhà máy Samyang, TP HCM, bãi công. Làn sóng ngừng việc lan sang Công ty Carimax và Công ty Pou Yuen Việt Nam.

Cuộc phản đối bắt nguồn từ việc Chính phủ ra nghị định xóa bỏ quyền được rút BHXH một lần của lao động nghỉ việc mà chưa đến tuổi hưu. Công nhân lập luận Bộ luật Lao động 2002 (sửa đổi) - văn bản pháp luật cao nhất, vẫn giữ quy định cho nhận trợ cấp một lần. Như vậy, nghị định trái luật.

Trước áp lực của công nhân, ngay trong tháng sau, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thông tư hướng dẫn "ngược" với nghị định, giúp "hồi sinh" quy định cho rút BHXH một lần.

Nguyên Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng, người ký thông tư, lý giải sự thay đổi này phù hợp với mong muốn và lương bổng của người lao động thời điểm đó. Đây có thể không phải quyền lợi cao nhất, nhưng thuận tiện và tốt nhất cho họ.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá việc tiếp tục cho phép rút BHXH một lần khi đó chưa tác động lớn đến chính sách. Bởi lao động ở doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chủ yếu vẫn là cán bộ, công chức, viên chức với tính ổn định cao.

Thế nhưng, ngã rẽ sai lầm khi đó vẫn được duy trì trong Luật BHXH 2006. Cuộc giằng co giữa người lao động và chính quyền tiếp tục kéo dài, thường bắt đầu bằng cuộc đình công và sau cùng là sự thoả hiệp với công nhân. Lợi ích trước mắt được giải quyết, để lại bài toán phúc lợi lâu dài cho thế hệ sau.

Từ khi Luật BHXH mới có hiệu lực năm 2007, số người rời hệ thống liên tục tăng. Từ 2012 đến 2014, số rút BHXH gần gấp đôi lượng gia nhập, báo động đỏ cho mạng lưới an sinh. Vấn đề hạn chế rút BHXH một lần nữa được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự, quyết tâm bãi bỏ tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Lịch sử lặp lại. Hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở TP HCM đình công phản đối quy định mới.

Chị Nguyễn Thị Liên khi ấy 33 tuổi, chưa từng chứng kiến cuộc đình công nào lớn như ngày 26/3/2015. Các con đường quanh nhà máy tắc nghẽn, giao thông tê liệt.

"Công nhân ngừng việc vì không đồng tình về chế độ chính sách của Luật BHXH mới. Công nhân mong muốn trợ cấp một lần phải được thực hiện như quy định hiện nay", tiếng loa phát thanh của công ty lặp đi lặp lại, thay cho những thông báo nội bộ hàng ngày.

Chị Liên vốn không để tâm đến ngã rẽ nào khác ngoài lương hưu, kể từ ngày đi làm. Nhưng làn sóng đình công giúp chị nhận ra ý nghĩa của lựa chọn thứ hai này.

Cuộc ngừng việc kéo dài 6 ngày. Công nhân bức xúc. Nhà máy bất lực. Sản xuất "đóng băng". Đối thoại giữa ngành chức năng với người lao động ngay tại công xưởng rơi vào bế tắc.

Từ Pou Yuen, làn sóng phản đối lan ra nhiều nhà máy khác ở TP HCM và phía Nam. Trong buổi đối thoại cuối cùng, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phải xoa dịu người lao động với lời hứa báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho rút bảo hiểm một lần.

Cuộc đối thoại năm 2015 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với hàng nghìn công nhân Pou Yuen sau 6 ngày đình công

Trước sức ép của người lao động, UBND TP HCM, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem lại Điều 60.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội Quốc hội), kịch liệt phản đối khi kiến nghị tạm hoãn Điều 60 được đưa ra. Quan điểm của ông là chỉ người đến tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng bảo hiểm, mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư mới được nhận trợ cấp một lần.

"Lương hưu vẫn là tốt nhất cho người lao động. Nếu tiếp tục cho phép rút BHXH một lần, mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân không thể thực hiện được", ông Lợi dự báo.

Tuy nhiên, ý kiến của ông không thắng được áp lực từ người lao động. Điều 60 bị "khai tử". Các đại biểu đã đồng thuận cho người lao động được rút BHXH một lần sau một năm nghỉ việc bằng Nghị quyết 93, kéo dài đến nay.

"Tính kế thừa là sợi dây duy nhất níu kéo chính sách BHXH một lần", ông Nguyễn Duy Cường, Vụ Phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa nhận. Hầu hết các nước, việc trả trợ cấp một lần chỉ được thực hiện khi lao động đến tuổi hưu mà không đủ điều kiện hưởng hưu trí. Ở Việt Nam, đây lại trở thành thói quen xấu của người lao động, dẫn đến mọi thay đổi đều bị phản ứng.

"Khi nhận ra bất cập này, đáng lý phải đóng lại ngay điều khoản cho rút một lần. Nhưng vì nhiều lý do đã kéo dài đến nay. Giờ đây sửa đổi rất khó", ông Cường nói.

Nhìn lại quyết định khi ấy, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng thừa nhận, đáng lẽ nên tìm các giải pháp giúp đỡ lao động mất việc gặp khó khăn, hoặc chỉ cho rút một tỷ lệ nhất định. "Cho rút toàn bộ, lao động rời khỏi hệ thống BHXH sẽ gây mất an toàn cho chính họ và toàn xã hội", bà nói.

Làn sóng rời bỏ

Ba năm kể từ cuộc đình công lịch sử của Pou Yuen, chị Liên nghiêm túc suy nghĩ về việc rút BHXH một lần sau khi phải gánh khoản nợ xây nhà. Năm ngoái, khi còn 3 tháng là đủ 20 năm đóng bảo hiểm, tức đáp ứng điều kiện để hưởng lương hưu, chị quyết định thôi việc ở tuổi 41. Người mẹ hai con đắn đo do tiếc lương thâm niên gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng xung quanh đồng nghiệp rủ nhau nghỉ, nhiều người nhận được cả trăm triệu đồng, chị hạ quyết tâm.

"Tuổi hưu còn lâu mới đến nhưng khoản nợ xây nhà cần phải trả sớm", chị Liên lý giải. 180 triệu đồng trợ cấp một lần là số tiền lớn nhất chị từng có từ khi đi làm.

Không riêng chị Liên, trung bình mỗi tháng Pou Yuen có 500-600 người nghỉ việc, hầu hết để chờ nhận trợ cấp một lần.

Hơn 30 năm trước, BHXH được mở rộng để mạng lưới an sinh bao phủ ra lao động ngoài quốc doanh. Nhưng giờ đây, chính họ đang chọn rời bỏ hệ thống. Trong tổng số người rút BHXH một lần, 90% là lao động ngoài nhà nước. Hầu hết chọn rời đi ở độ tuổi sung sức nhất - 21 đến 40, khiến Quỹ BHXH hao hụt hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Khảo sát hơn 1.300 công nhân của Liên đoàn lao động TP HCM cuối năm 2021 về lựa chọn sau khi mất việc, số người rút "một cục" chiếm hơn 62%, chỉ 19% nói "không" và gần 19% trả lời "chưa biết". Bốn lý do công nhân đưa ra là: cần tiền lo cho gia đình, nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu, không tin tưởng vào chính sách hưởng sau này, và không thể tiếp tục đóng.

Bức tranh rút BHXH một lần từ 2016 đến nay

Chạm để xem chi tiết

Theo độ tuổi Nơi làm việc Số tiền

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), quy định tồn tại nhiều năm đã góp phần hình thành tập tính "rút bảo hiểm" trong người lao động. Không ít người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần. Số khác coi đóng bảo hiểm như chơi hụi, góp một thời gian rồi rút ra, sau đó lại nộp, không quan tâm đến lương hưu.

Tâm lý sẵn sàng rời khỏi hệ thống đã khiến số người rút BHXH một lần liên tục tăng. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia vào hệ thống, nhưng có 4,06 triệu người rút một lần. Số người rời bỏ gần bằng số tham gia.

Với góc độ người xây dựng chính sách, nguyên Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đánh giá số người rút BHXH một lần tăng đồng nghĩa chính sách và việc tổ chức thực hiện không thành công. Người lao động rút chân ra khỏi hệ thống BHXH cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

"Nhiều người không tin vào tương lai, nhưng bài học quá khứ thấy rất rõ", ông Huân nói.

Chuyên gia dẫn chứng năm 1987 và 1989, nhà nước hai lần tinh giản biên chế. Người mất việc rất háo hức khi được nhận trợ cấp một lần, đem gửi ngân hàng lấy lãi suất 12-14% mỗi năm, hoặc kinh doanh. Khi lãi suất giảm mạnh, họ tiêu sạch. Nhiều trường hợp quay lại yêu cầu nhà nước trả lương hưu, nhưng không thể. Họ sống rất chật vật, phải chờ đến 80 tuổi để nhận trợ cấp từ ngân sách, hiện mức này chỉ 360.000 mỗi tháng.

Theo ông Nguyễn Hải Đạt, điều phối quốc gia chương trình An sinh xã hội (ILO tại Việt Nam), trợ cấp BHXH một lần là khoản tiền cố định. Người lao động thường dùng cho mục đích khác thay vì đảm bảo thu nhập tuổi già.

Ông dẫn chứng một khảo sát của Quỹ Bảo trợ người lao động Malaysia cho thấy 70% thành viên tiêu sạch số tiền nhận một lần trong vòng ba năm, kể từ khi rút hết tiền lúc nghỉ hưu. Cuối cùng, họ quay lại sống dựa vào trợ cấp của Chính phủ dành cho người nghèo.

"Rõ ràng đây là kết cục không mong đợi của cả lao động và nhà nước", ông nói. Người lao động sẽ phải gánh chịu đầu tiên, rộng ra là toàn xã hội, vì nhà nước phải dùng ngân sách để chi nhiều hơn cho người cao tuổi.

Theo chuyên gia, các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra tùy vào thời gian hưởng mà lương hưu luôn cao hơn số tiền nhận trợ cấp một lần 15-20%. Công ước của ILO cũng khuyến cáo lương hưu chi trả định kỳ là cơ chế duy nhất có khả năng bảo vệ an ninh thu nhập cho người cao tuổi trong mọi trường hợp.

"Cài lại cúc áo đã sai từ đầu"

Nguyên Giám đốc BHXH TP HCM Cao Văn Sang cho rằng không thể duy trì mãi cơ chế rút bảo hiểm một lần, nhưng nếu đề ra quy định dừng đột ngột như Điều 60 Luật BHXH 2014 sẽ bị phản ứng.

"Cần một giải pháp có tính giảm đau, như xây dựng luật mới theo nguyên tắc bất hồi tố", ông đề xuất. Cụ thể, người tham gia BHXH trước thời điểm luật mới có hiệu lực được quyền lựa chọn rút một lần hoặc bảo lưu giai đoạn đã đóng. Còn nếu nộp bảo hiểm sau luật mới thì chỉ có một con đường là chờ đủ tuổi để nhận lương hưu, trừ khi không đủ điều kiện mới nhận trợ cấp một lần.

Đồng quan điểm, PSG.TS Nguyễn Đức Lộc nói để mọi hành khách trên con tàu lương hưu về đến đích cuối cùng, cách duy nhất là "chốt đơn" ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia mới. Những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu rằng tham gia BHXH là bắt buộc ở lại để sau này có lương hưu.

"Chiếc áo bị cài cúc sai ngay từ đầu, nếu không dũng cảm tháo ra cài lại sẽ không bao giờ hết lỗi", ông Lộc nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng để hệ thống an sinh không bị phá vỡ, phải nhanh chóng "làm sống lại" Điều 60. Ông cảnh báo ngay cả khối nhà nước cũng bắt đầu có tâm lý rút bảo hiểm một lần khi sắp tới thay đổi cách tính lương hưu ở nhóm này (trung bình cả quá trình thay vì những năm cuối trước nghỉ hưu).

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, bảo hiểm xã hội sẽ bao phủ hưu trí cho 55% người trong độ tuổi nghỉ hưu, và đến 2030 là 60% (Nghị quyết 28), tức mỗi năm tăng 1%. Nếu giữ được nhịp này, đến năm 2069, Việt Nam mới phủ được lương hưu cho 99% người già. Thế nhưng, con số hiện tại mới chỉ hơn 22%.

Dự báo năm 2040, Việt Nam có 23 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 21% dân số. Tỷ lệ già hoá nhanh, nhưng tình trạng rút một lần gia tăng, khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí.

Dự báo số người già và mục tiêu phủ lương hưu của Việt Nam đến 2069

Chạm để xem chi tiết

Luật BHXH đang trong lần sửa đổi thứ ba. Lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm hạn chế rút một lần, như hạ năm đóng để được hưởng mức tối thiểu, tính lại mức hưởng, thêm tầng hưu trí…

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, nói việc giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm không thể ngăn công nhân rút một lần.

Ví dụ, hiện nhiều công nhân đóng bảo hiểm gần 20 năm, lương cơ bản đã hơn 10 triệu đồng, nhưng sẵn sàng nghỉ việc. Họ chờ một năm để rút 130-140 triệu đồng tiền bảo hiểm. Trong khi ở lại làm việc, chỉ cần làm một năm và thưởng Tết, tổng tiền nhận được đã nhiều hơn. Chưa kể, với lao động phổ thông, không trình độ, tìm được việc làm mới với lương cứng 10 triệu đồng mỗi tháng là rất khó.

"Thiệt đủ đường, nhưng họ vẫn nghỉ", đại diện công đoàn công ty đông lao động nhất TP HCM đúc kết và lý giải công nhân không có tích lũy nên muốn nhận một cục.

Ông dự báo nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, công nhân làm 14 năm sẽ nghỉ để nhận “một cục” thay vì chờ đủ tuổi nhận lương hưu. Khi nhà làm chính sách tìm cách giữ chân người lao động ở lại hệ thống thì chiều ngược lại, họ càng sợ mất khoản tiết kiệm từ nguồn này.

Góp ý cho bản dự thảo, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chính sách Economica Việt Nam, nhận định các đề xuất đang tập trung giải quyết vấn đề nổi cộm, tuy nhiên, vô tình làm phương hại đến triết lý căn bản của chính sách BHXH. Đó là đảm bảo người lao động nằm trong lưới an sinh để được hỗ trợ khi gặp rủi ro.

"Giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động là cần thiết, nhưng phải có cách khác. Không nên loay hoay mãi việc cho rút BHXH một lần", chuyên gia nêu quan điểm.

33 năm kể từ cuộc cải cách bảo hiểm xã hội, Việt Nam còn 9,2 triệu người già không được hưởng bất kỳ hình thức trợ cấp nào, chiếm 65% tổng số người đến tuổi nghỉ hưu. Tấm lưới an sinh vốn hẹp, lại càng mỏng dần khi hàng triệu người chọn rời bỏ hệ thống mỗi năm. Quy định rút BHXH một lần vốn là giải pháp tạm thời để lấp lỗ hổng, lại đẩy con tàu lương hưu đi "chệch đường ray".

Ông Sang ước ngày đó Bộ luật Lao động 1994 đừng "khai sinh" ra quy định cho phép rút BHXH một lần thì Việt Nam đã không phải loay hoay giải quyết vấn đề này suốt ba thập kỷ. Nếu không quyết tâm thay đổi ở lần sửa luật này, cái sai sẽ kéo dài thêm nhiều thế hệ.

"Chấm dứt hẳn một thói quen hàng chục năm không đơn giản. Nhưng người già không có lương hưu còn đáng sợ hơn rất nhiều", ông nói.

Lê Tuyết - Thu Hằng - Hoàng Khánh - Thanh Hạ

* Dữ liệu được tổng hợp từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng cục Thống kê