Thông tin về tình hình chi trả lương hưu ngày 28/5, bà Lý Hoàng Minh, Phó phòng Hưu trí thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay cao hơn thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (khoảng 4,2 triệu đồng mỗi tháng).
Mức hưởng cũng không cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1995 đến nay, nhà nước đã 22 lần điều chỉnh lương hưu. Hai năm ảnh hưởng đại dịch, lương hưu vẫn tăng thêm 7,4% từ đầu năm 2022. Cụ thể, người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.
"Lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng", bà Minh kết luận, cho biết thêm người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khám chữa bệnh trọn đời do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mức 95%. Nếu người hưởng không may qua đời thì thân nhân sẽ nhận được tiền tử tuất.
Lương hưu cao hay thấp ngoài thời gian đóng còn phụ thuộc mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Kiểm tra một số doanh nghiệp thấy có tình trạng xây dựng thang bảng lương ở mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động, hoặc hai bên thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.
Bà Minh lý giải, nhiều chủ sử dụng lao động cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào các quỹ, bởi luật hiện hành quy định người lao động đóng 1/3 và doanh nghiệp đóng 2/3. Người lao động cũng chưa nắm rõ quyền lợi đóng BHXH càng cao thì sau này hưởng lương hưu cũng cao theo. Để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng thanh tra việc chấp hành quy định về tiền lương tại doanh nghiệp.
Luật hiện hành quy định, người lao động đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, dẫn tới nhiều người tham gia thời gian ngắn, không đủ năm tích lũy hưởng hưu trí nên chọn rút BHXH một lần. Trước thực trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự tính sửa luật theo hướng giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để người lao động dễ tiếp cận chính sách hưu trí.
Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Hồng Chiêu