Sáng 17/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 4, nghe tờ trình và cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 của Chính phủ.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - Nguyễn Đức Hải cho biết, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn thì đề xuất tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng một tháng (tương đương tăng 7%) là hợp lý.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.
"Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cũng như phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương...", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ về tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.
Từ 1/5, mức lương cơ sở của công chức, viên chức đã tăng lên mức 1,21 triệu đồng một tháng. Nếu xét từ năm 2008 đến nay, lương cơ sở đã tăng hơn 2 lần, từ 0,54 lên 1,21 triệu đồng một tháng.
Tại hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" do Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức ngày 12/10, nhiều bất cập trong chế độ tiền lương của Việt Nam một lần nữa được nhiều chuyên gia đưa ra mổ xẻ. Bất cập lớn được các chuyên gia lấy làm ví dụ để phân tích, so sánh là với mức lương cơ sở hiện tại thì lương của Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ bằng với lương kế toán.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân, chế độ tiền lương cơ sở (lương áp dụng đối với cán bộ, công - viên chức) hiện nay lấy hệ số trung bình là người tốt nghiệp đại học (có hệ số 2,34) - tức là dựa trên trình độ chuyên môn. Trong khi đó, hệ số cao nhất trong bảng này lại lấy là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tức dựa trên chức danh.
Nếu theo chế độ này, với hệ số cao nhất là 13, nhân với mức lương cơ sở thì lương vị trí lãnh đạo cao nhất đất nước chỉ là hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 51/2013 thì mức lương cơ bản thấp nhất của kế toán trưởng một công ty hạng III (hạng thấp nhất) đã là 16 triệu đồng và vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên một tập đoàn kinh tế là 36 triệu.
"Nếu so sánh như vậy cũng đã thấy sự vô lý 'tận cùng'. Lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã như thế thì lương cán bộ, công chức thấp là điều đương nhiên dễ hiểu. Tất nhiên, tất cả nêu ở đây chỉ là theo quy định, chứ không phải thực tế", ông Cầu nói.