Phát biểu tại buổi họp báo chiều 10/2, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra tại 26 đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lương bình quân của EVN năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng, năm 2009 là 7,064 triệu đồng và năm 2010 là 7,45 triệu đồng. Tổng quỹ lương trên chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện. Do lĩnh vực hoạt động tương đối đặc thù so với các ngành khác, khoản phụ cấp của người lao động trong ngành điện có thể lên đến 27,8% tiền lương.
Trong đó, tổng thu nhập của người lao động sản xuất, kinh doanh điện năm 2008, 2009 và 2010 lần lượt là 5,929 triệu đồng; 7,308 triệu đồng và 7,628 triệu đồng. Tính riêng năm 2010, lương trung bình ở công ty mẹ là 14,105 triệu đồng, khối truyền tải là 11,103 triệu đồng, khu vực phát điện là 10,387 triệu đồng và đơn vị phân phối điện là 6,765 triệu đồng. Riêng các thành viên trong Hội đồng quản trị của EVN hưởng lương bình quân 37 triệu đồng, người có lương cao nhất lên đến 51 triệu đồng mỗi tháng (Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - ông Đào Văn Hưng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp nhiều sai phạm trong khâu phân phối tiền lương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với kết quả thanh tra trên, ông Nguyễn Tiến Tùng cho hay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp nhiều sai phạm trong khâu phân phối tiền lương.Trong đó, hệ thống định mức lao động được sửa đổi từ năm 2008, áp dụng đến nay đã quá lạc hậu. Vì 3 năm qua, EVN được trang bị thêm nhiều công nghệ hiện đại.
Việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là nhà máy điện không đồng nhất và có nhiều sai phạm. “Đối tượng đã xếp lương đúng chức danh nghề nhưng vẫn hưởng phụ cấp độc hại, ngược lại có những người làm việc trong môi trường nguy hiểm thì lại không nằm trong diện được áp dụng”, ông Nguyễn Tiến Tùng nói.
Thêm đó, tiền lương bình quân khối sản xuất, truyền tải cao gần gấp đôi so với khu vực phân phối. Lương của cán bộ tại cơ quan tập đoàn cao hơn 2 lần so với lương bình quân công ty mẹ. Ông Tùng cho rằng, kể cả trong điều kiện lao động đặc thù thì việc xác định tiền lương như trên giữa các khối là bất hợp lý.
Ngoài ra, một số viên chức quản lý của Tập đoàn khi tham gia đại diện phần vốn ở một số doanh nghiệp đã nhận trực tiếp khoản thù lao mà đáng lý ra phải nộp lại tập đoàn rồi hưởng phân phối theo quy định. Theo trưởng đoàn thanh tra, công tác quản trị lao động, tiền lương tại EVN đang bị coi nhẹ khi đơn vị tập đoàn mới chỉ có 5 viên chức phụ trách vấn đề này.
Tuy nhiên, về việc thua lỗ 8.416 tỷ đồng năm 2010 song EVN vẫn trả lương cao hơn 5,46% so với năm 2009, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Phạm Minh Huân khẳng định tập đoàn này thực hiện đúng theo quy định. Bởi trước đó, EVN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng đơn giá tiền lương bằng 95% đơn giá tiền lương năm 2009. Ngoài ra, 96% lao động tại đây đều có trình độ kỹ thuật cao, đòi hỏi độ chính xác lớn và làm việc trong môi trường đặc thù.
“Nếu nói vì điều kiện tự nhiên khô hạn dẫn đến phải đốt dầu phát điện trong năm 2010 rồi thua lỗ mà quay lại trả lương cho công nhân ngành điện quá thấp thì làm sao thu hút và giữ chân được người lao động? Hơn nữa, một số đơn vị trong tập đoàn làm ăn có lãi thì sẽ kéo mức lương trung bình lên theo”, Ông Phạm Minh Huân nói.
Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu EVN phân phối lại quỹ tiền lương theo đơn giá giữa các khối và trong từng khối phải đảm bảo tương quan phù hợp. Việc trả lương phải căn cứ vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc của từng người lao động. Hơn nữa, quỹ tiền lương, thưởng, trách nhiệm của viên chức quản lý phải được thực hiện theo đúng quy định, không được lấy lương từ khối sản xuất bù vào.
Song, với những sai phạm trên, EVN không bị áp dụng bất kỳ khung hình phạt nào. Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, 100% các doanh nghiệp tại Việt Nam đều chưa thực hiện đúng luật tiền lương và thu nhập. Do vậy, với vi phạm lần đầu của EVN, Bộ sẽ hướng dẫn sửa đổi. Thời gian để EVN điều chỉnh tất cả những hạn chế trên là 45 ngày. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam - ông Đinh Quang Tri và đại diện Bộ Công Thương – ông Đặng Huy Cường đều nhất trí với kết quả thanh tra và hướng xử lý trên của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Nguồn tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tại một số tập đoàn khác như Dầu khí, Than khoáng sản hay khối ngân hàng, viễn thông...
Xuân Ngọc