Tuy nhiên, thực tế là nếu đã có lương 50 triệu đồng mỗi tháng, thì hẳn ai cũng muốn an phận mà tận hưởng cuộc sống.
Dạy thêm một lớp đồng nghĩa với việc phải nói nhiều hơn, đứng lâu hơn, và quản lý nhiều học sinh hơn, chưa kể áp lực tăng lên. So với việc chỉ nhận lương 50 triệu đồng, buổi tối nghỉ ngơi thì rõ ràng việc dạy thêm không sướng hơn chút nào.
Nếu dạy không tận tâm, học sinh sẽ tự tìm đến những giáo viên khác có phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn.
Khi giáo viên kiếm tiền bằng sức lao động của mình, họ sẽ có cái nhìn khác. Đôi khi, việc dạy thêm không chỉ nhằm kiếm tiền mà còn xuất phát từ mong muốn giúp đỡ học sinh nâng cao kiến thức, đặc biệt là những kiến thức không được giảng dạy trong các lớp đại trà, hoặc hỗ trợ những học sinh có nhận thức kém. Tất nhiên, việc trục lợi vẫn có, nhưng nói rằng tất cả giáo viên dạy thêm chỉ để kiếm tiền thì không đúng.
Ngày trước, trong lớp tôi có một bạn không học thêm nhưng vẫn giỏi hơn nhiều bạn khác. Vì vậy, bạn ấy thường bị giáo viên "trù dập," điều này mới đáng trách. Còn chuyện điểm số cao thấp không quan trọng bằng việc đảm bảo đối xử công bằng với tất cả học sinh.
Ở vùng quê, số lượng người có trình độ đủ để dạy học là rất ít, đặc biệt là các môn như tin học và ngoại ngữ. Những người có năng lực thường tìm cơ hội ở thành thị. Do đó, nếu một giáo viên dạy tốt và chi phí hợp lý, nhiều phụ huynh sẽ tìm đến và đăng ký cho con học.
Có những trường hợp phụ huynh quá nhiệt tình khiến giáo viên khó lòng từ chối. Các trung tâm gia sư cũng tồn tại, nhưng phương pháp giảng dạy thường không bài bản, khiến phụ huynh cuối cùng lại tin tưởng và tìm đến những giáo viên có tâm.
Nếu một giáo viên dạy không hiệu quả mà học sinh vẫn phải đi học thêm, điều này trở thành sự ép buộc và cần được quản lý chặt chẽ. Ở các thành phố lớn, phụ huynh và học sinh có nhiều lựa chọn hơn về nơi học thêm và giáo viên giỏi, việc tìm trung tâm gia sư cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, mặt khác, việc lách luật cũng trở nên phổ biến hơn. Đây là lý do tại sao hiện nay nhiều trường tổ chức học hai buổi mỗi tuần.
Trước đây, kiến thức có thể chỉ cần một buổi là đủ, nhưng do quy định cấm dạy thêm, các trường chia ra thành hai buổi và tổ chức dạy trong trường, khiến nhiều người nghĩ rằng đó là học thêm, nhưng thực chất lại là học chính khóa.
Dù không vi phạm luật, nhưng điều này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Lớp học thường đông đúc, học sinh chuyên khoa học xã hội phải học chung với học sinh khoa học tự nhiên. Giáo viên và phương pháp giảng dạy không phù hợp nhưng vẫn phải theo sát chương trình. Kết quả là, học sinh phải học nhiều hơn nhưng chất lượng học đôi khi không bằng trước đây.
Cuong Nguyen