Mới đây tôi đọc được một bài chia sẻ của chàng trai 31 tuổi, lương 21 triệu một tháng, con số không phải là ít. Thế nhưng, khi bố bị tai nạn phải nhập viện, anh không có nổi 700 nghìn đồng để giúp bố.
Trong ví chỉ còn 126 nghìn, anh lặng người đứng nhìn bố gom từng đồng tiền lẻ, những đồng tiền nhàu nát từ việc bán rau, đồng hành, để đóng viện phí. Khoảnh khắc ấy, anh chợt nhận ra mình chẳng khác gì một kẻ trắng tay.
Chuyện này khiến tôi nhớ đến một đồng nghiệp cũ, cũng từng có mức thu nhập khá cao nhưng lại chi tiêu vô tội vạ. Cứ sau ngày lĩnh lương là anh sống một đời sống khác.
Một lần, anh phải vay tiền tôi để nhập viện vì nghi đau ruột thừa. Sau lần đó, anh bắt đầu thay đổi, không còn để cuộc sống của mình trôi nổi theo đồng lương mà không có kế hoạch.
Chỉ những lúc khó khăn, ngặt nghèo cần tiền gấp, mới biết quý trọng đồng tiền. Không lẽ, cứ đụng chuyện là hỏi vay mượn?
Chúng ta thường có suy nghĩ rằng, chỉ cần kiếm được nhiều tiền là sẽ không bao giờ nghèo. Nhưng thực tế, nghèo không chỉ là chuyện thu nhập, mà còn là cách chúng ta sử dụng đồng tiền. Kiếm 21 triệu một tháng nhưng không có nổi 700 nghìn khi cần, đó chẳng phải nghèo thì là gì?
Tiết kiệm không phải là sống khổ sở, mà là chuẩn bị cho những lúc khó khăn không báo trước. Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm đẹp, và chúng ta không thể mãi dựa vào sự chắt chiu của cha mẹ để chống đỡ những tình huống cấp bách.
Tôi chưa thấy ai nghiên cứu hay khảo sát về chuyện các bạn trẻ nói chung và người Việt nói riêng để bao nhiêu tiền vào quỹ khẩn cấp (Emergency Fund). Đây là lượng tiền bạn tiết kiệm để có thể đảm bảo cuộc sống bình thường của bản thân nếu có những chuyện đột xuất xảy ra.
Rơi vào hoàn cảnh như anh chàng 31 tuổi trên mới nhận ra rằng nghèo hay giàu đôi khi không phải do thu nhập, mà do cách chúng ta sử dụng nó.
Đông Huyền