Đợt về quê mới đây, tôi chở mẹ đi chợ. Trong lúc chờ đợi, tôi ghé vào quán cháo lòng và cà phê và hơi bất ngờ vì giá cả ở quê vẫn còn khá rẻ: 17 nghìn đồng cho tô cháo và ly cà phê đen đá 8 ngàn đồng.
Tôi nhớ lại những ly cà phê 25 nghìn và bữa cơm trưa 50 nghìn đồng của mình ở thành phố mà ngậm ngùi nói với mẹ: "Nếu sống ở quê mà thu nhập ở thành phố thì sẽ dư khá nhiều tiền".
Mẹ tôi chìa giỏ thực phẩm mới mua bao gồm thịt heo, cá, rau, củ, đồ gia vị... ra và bảo: "Có bao nhiêu đây mà 300 nghìn kia đấy". Lúc đấy, tôi chợt nhận ra thực sự đồ ở quê bây giờ cũng không còn rẻ nữa. Quán cháo bán rẻ là vì họ quen với sạp thịt heo, được bán bộ đồ lòng với giá rẻ. Quán cà phê bán mỗi ly 8 nghìn với thứ nước đen sì, không có bao nhiêu phần trăm là cà phê.
Chung quy lại, ở quê không có lượng khách đông, nếu bán cao hơn thì chẳng có ai mua.
Vì sao nhiều người Việt thích ăn ngoài, đi cà phê mỗi tuần? Tôi nghĩ rằng một phần là do nhiều người chúng ta thích la cà quán xá. Phần còn lại đó là tiện và lợi hơn nếu so với việc mua thực phẩm tươi, nấu nướng, dọn dẹp.
Thật vậy, một khay cơm văn phòng ở công ty tôi (nằm ở quận trung tâm TP HCM) có giá 50 nghìn đồng bao gồm hai đến ba món mặn, một món rau xào, canh, trái cây tráng miệng... Mới nghe qua mức giá, tưởng là đắt, nhất là khi so với mức lương 14 triệu hiện tại (mỗi tháng ăn 20 ngày x 50 = 1 triệu đồng, 1 bữa ăn mỗi ngày lại chiếm 7,14% thu nhập).
Nhưng nếu nấu từ 1-2 suất cơm đầy đủ như vậy để mang đi làm, thì rất khó nấu với tầm giá 50 nghìn -100 nghìn đồng.
Rõ ràng là không đắt. Vậy thứ đắt ở đây là giá thực phẩm hay nguyên nhân nào khác?
Nguyễn Phương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.