Sự trỗi dậy của Huawei đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều chính phủ bày tỏ lo ngại rằng công nghệ của họ có thể được sử dụng để phục vụ cho các điệp viên Trung Quốc.
Mỹ ngày 28/1 cáo buộc Huawei, hai công ty chi nhánh và giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu có hành động gian lận và thông đồng liên quan tới các giao dịch với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran. Họ cũng thúc giục đồng minh tẩy chay thiết bị 5G của Huawei do lo ngại an ninh.
"Nghi ngờ về Huawei ăn sâu đến mức có một chiến dịch được cả lưỡng đảng Mỹ ủng hộ để ngăn chặn tầm với của công ty này, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới", Samm Sacks, chuyên gia về an ninh mạng tại trung tâm an ninh Mỹ mới, nói, theo CNN.
Nỗ lực của Mỹ phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington về việc ai sẽ kiểm soát công nghệ trong tương lai. Vấn đề bảo mật của mạng 5G được chú trọng vì nó sẽ được sử dụng để truyền lượng lớn dữ liệu, kết nối robot, xe tự hành và các thiết bị nhạy cảm khác.
Nếu chính phủ Mỹ quyết định leo thang cuộc chiến hơn nữa bằng cách ngăn Huawei mua linh kiện do Mỹ sản xuất như đã làm với một công ty công nghệ Trung Quốc khác là ZTE vào năm ngoái, họ có thể gây ra thiệt hại đáng kể.
"Huawei ít phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ hơn ZTE, nhưng nếu không tiếp cận được với công nghệ Mỹ, họ cũng sẽ không tồn tại được lâu", Dan Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal viết.
Tuy nhiên, Huawei hiện vẫn có tiềm lực để dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G. Huawei cho biết họ đã ký 30 hợp đồng triển khai 5G và đang hợp tác với hơn 50 nhà mạng trong các thử nghiệm thương mại. Họ cũng là một trong những bên sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G nhất.
Huawei đã dành nhiều thập niên để xây dựng sự hiện diện ở hàng loạt thị trường trên thế giới với giá cả cạnh tranh. Họ là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số một thế giới và năm ngoái đã vượt qua Apple để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai. Họ được dự báo vượt qua Samsung vào năm 2020.
Công ty bác bỏ cáo buộc rằng các sản phẩm của họ đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Họ cũng nhấn mạnh rằng họ là công ty tư nhân, không có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, danh tiếng quốc tế của Huawei đang bị tổn hại.
Chính quyền Ba Lan đã bắt một giám đốc điều hành Huawei trong tháng này với cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Công ty sa thải ông này ngay sau vụ bắt, nói rằng hành động của ông khiến Huawei mất uy tín.
Tháng 12/2018, Canada bắt giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Washington đang tìm cách dẫn độ bà sang Mỹ. Mạnh, con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bác bỏ mọi hành vi sai trái.
Trong những tháng gần đây, Australia và New Zealand đã hạn chế Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Đức và Canada đang xem xét các biện pháp tương tự. Hãng Anh Vodafone dừng triển khai thiết bị Huawei trong các mạng quan trọng ở châu Âu.
Tại Anh, Huawei bị theo dõi bởi một hội đồng giám sát của chính phủ. Áp lực còn vượt ra ngoài ngành viễn thông, các tổ chức như Đại học Oxford cho biết họ sẽ ngừng nhận tiền từ Huawei. Các trường đại học nổi tiếng của Mỹ cũng đang tách mình khỏi nguồn tài trợ và thiết bị của công ty.
Các lãnh đạo của Huawei chấp nhận rằng môi trường đang ngày càng bất lợi. "Trong vài năm tới, tình hình chung sẽ không đáng lạc quan như chúng ta tưởng tượng. Chúng ta phải chuẩn bị cho những khó khăn", ông Nhậm nói hồi tháng 11 năm ngoái. Huawei đăng câu nói này lên trang web vào tháng này.
Đối mặt trước làn sóng dư luận tiêu cực, công ty đang đẩy mạnh chiến dịch PR. Ông Nhậm, người hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông, đã trả lời phỏng vấn của hai nhóm phóng viên trong những tuần gần đây. Ông tính toán rằng Huawei sẽ có doanh thu 125 tỷ USD trong năm nay, tăng khoảng 15% so với năm 2018.
"Nếu chúng tôi không được phép bán sản phẩm ở một số thị trường nhất định thì chúng tôi sẽ giảm quy mô xuống một chút", ông Nhậm nói. "Miễn là chúng tôi có thể nuôi nhân viên, tôi tin rằng sẽ luôn có tương lai cho Huawei".
Huawei tăng trưởng doanh thu 16% vào năm 2017 trong khi các đối thủ lớn ở phương Tây như Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển đều bị sụt giảm doanh thu. Công ty Trung Quốc vẫn kinh doanh tốt ở nhiều thị trường mới nổi, những nơi khó có thể từ bỏ thiết bị của họ.
Doanh thu từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi tăng khoảng 5% trong năm 2017 lên 164 tỷ NDT (25 tỷ USD). Tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hơn 10%. Các nhà phân tích dự đoán khách hàng ở các khu vực này sẽ gắn bó với Huawei vì giá rẻ.
Theo Kenny Liew, nhà phân tích viễn thông tại công ty nghiên cứu Fitch Solutions, việc triển khai mạng 5G rất tốn kém vì chúng đòi hỏi nhiều trạm phủ sóng hơn nhiều so với thế hệ trước.
Các nhà khai thác mạng "sẵn sàng cắt giảm bất cứ chi phí nào có thể và một cách để làm vậy là lựa chọn thiết bị Trung Quốc rẻ hơn nhưng có chất lượng ổn", ông nói.
Các nhà mạng ở Ấn Độ, những bên đã phải cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả khốc liệt những năm gần đây, có khả năng ủng hộ sản phẩm giá rẻ của Huawei vì áp lực tài chính, Liew nói thêm.
Việc Huawei sớm tiếp cận các thị trường như Nigeria và Nam Phi cũng giúp họ giành được sự trung thành từ khách hàng. "Huawei đã mạo hiểm đầu tư vào những quốc gia ở châu Phi trong khi các nhà cung cấp khác còn đang ngần ngại", Liew nói.
Huawei cũng có thể hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa cho các công ty nước ngoài như nhà mạng BT của Anh. Tuần trước, BT trở thành tập đoàn viễn thông nước ngoài đầu tiên có giấy phép bán hàng trực tiếp cho khách hàng trên toàn Trung Quốc.
"Động thái này chắc chắn hữu ích cho Huawei", Charlie Dai, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Forrester có trụ sở tại Bắc Kinh, nói. "BT có thể cần sự giúp đỡ của Huawei để phục vụ tốt hơn thị trường địa phương và việc thiết lập mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với BT có thể giúp ích cho Huawei ở bên ngoài Trung Quốc".
Bắc Kinh bật đèn xanh cho Huawei chỉ vài tuần sau khi BT tuyên bố họ sẽ không mua thiết bị Huawei cho lõi mạng (phần trung tâm của một mạng viễn thông) 5G và dỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi lõi mạng 4G. Tuy nhiên, BT cho biết họ sẽ tiếp tục mua các sản phẩm Huawei cho các bộ phận khác trong mạng của mình.
Ngoài thiết bị viễn thông, doanh thu điện thoại thông minh của Huawei đang tăng mạnh. Công ty đã bán được hơn 200 triệu thiết bị năm 2018, tăng khoảng 30% so với năm trước.
Yếu tố chính trị cũng có thể có lợi cho Huawei. Các quốc gia hưởng lợi từ đầu tư của Trung Quốc sẽ miễn cưỡng áp dụng lệnh cấm đối với thiết bị Huawei vì những hậu quả địa chính trị tiềm tàng, theo Liew.
Ba Lan và Cộng hòa Séc đang cố gắng cân bằng giữa một bên là mối quan hệ an ninh với Mỹ và một bên là các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Ba Lan được cho là đang cố gắng giải quyết căng thẳng với Bắc Kinh sau vụ bắt giám đốc Huawei bị cáo buộc gián điệp. Ba Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, theo Ngân hàng Thế giới.
Cuối năm ngoái, cơ quan tình báo Cộng hòa Séc cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm từ Huawei và ZTE. Có đồn đại rằng Thủ tướng Cộng hòa Séc đã nói với các nhà ngoại giao Trung Quốc cảnh báo này không thể hiện quan điểm của chính phủ Séc. Ông sau đó bác bỏ thông tin này. Giống như Huawei, ZTE cũng bác bỏ cáo buộc các sản phẩm của họ gây ra rủi ro an ninh.
Các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ tức giận trước sức ép Huawei đang phải đối mặt ở Tây Âu. Sau khi Vodafone ra thông báo dừng triển khai thiết bị của Huawei, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu Trương Minh gọi đây là sự "vu khống" và "phân biệt đối xử" mà Huawei và các công ty Trung Quốc khác phải đối mặt ở châu Âu.
"Chiến dịch kìm hãm Huawei sẽ chỉ làm chậm tăng trưởng kinh doanh của công ty này ở một số quốc gia tại thị trường châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương", Charlie Dai nhận định. "Nhưng tôi nghĩ rằng họ sẽ không rút lui khỏi bất kỳ thị trường nào trong tương lai gần".