Khi Thủ tướng Australia Scott Morrison mở tài khoản WeChat năm 2019, đó là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử liên bang. Ông cho biết điều này sẽ giúp ông kết nối trực tiếp với những người Australia gốc Hoa và hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ quan tâm.
Tuần này, truyền thông Australia đưa tin Thủ tướng Morrison không chỉ bị đóng băng tài khoản trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, kể từ năm ngoái, mà hình ảnh ông cũng đã bị xóa. Tài khoản có tên mới và hiện do một công ty công nghệ Trung Quốc kiểm soát.
Các bài đăng của ông trên tài khoản này vẫn còn, cũng như 76.000 người theo dõi ông, nhưng tên tài khoản đã được đổi thành "Cuộc sống mới cho người Australia gốc Hoa" và phần mô tả cho hay đây là trang "cung cấp thông tin về cuộc sống ở Australia cho cộng đồng người Hoa".
Sau khi Daily Telegraph công bố thông tin này, các thành viên trong đảng Tự do bảo thủ của Thủ tướng Morrison đã phản ứng đầy giận dữ. Một số người thậm chí nói rằng tài khoản WeChat của Thủ tướng Australia đã bị chiếm quyền kiểm soát.
Các chính trị gia bảo thủ khác cáo buộc WeChat đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang sắp tới ở Australia. Sự việc cũng khuấy động cuộc tranh luận quanh chủ đề liệu các nhà lập pháp có nên sử dụng WeChat để giao tiếp với 1,2 triệu cư dân gốc Hoa của đất nước hay không.
Tất cả tiếp tục khoét sâu mối quan hệ ngoại giao vốn đang rạn nứt giữa Australia và Trung Quốc.
James Paterson, thượng nghị sĩ đảng Tự do, chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo Liên hợp Australia, tuyên bố hành động tước quyền kiểm soát tài khoản WeChat của Thủ tướng Morrison là nỗ lực từ Trung Quốc nhằm "can thiệp" vào nền chính trị Australia.
Ông lưu ý rằng thủ lĩnh phe đối lập Anthony Albanese vẫn còn tài khoản WeChat.
Về phần mình, Albanese nói rằng thông tin về sự cố WeChat của Thủ tướng Morrison là "mối quan ngại thực sự", nhưng ông không cam kết sẽ tẩy chay nền tảng này.
Hiện không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy chính phủ Trung Quốc đứng sau sự việc Thủ tướng Morrison bị mất tài khoản WeChat.
WeChat thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent. Ứng dụng, với 1,26 tỷ người dùng trên toàn thế giới, rất phổ biến ở Trung Quốc và với cộng đồng người gốc Hoa toàn cầu, những người sử dụng nó để trò chuyện với gia đình và bạn bè, đọc tin tức hay thanh toán.
Cựu tổng thống Donald Trump từng cố gắng cấm WeChat và ứng dụng TikTok, cũng của Trung Quốc, hoạt động tại Mỹ vì cho rằng đây là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố xác nhận những thay đổi đối với tài khoản của Thủ tướng Morrison, Tencent cho biết: "Không có bằng chứng về bất kỳ vụ hack hoặc bên thứ ba xâm nhập. Đây dường như là một tranh chấp quyền sở hữu tài khoản".
Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về quá trình chuyển giao quyền sở hữu tài khoản đã diễn ra như thế nào. Để đổi chủ một tài khoản, chủ sở hữu ban đầu phải điền vào mẫu có công chứng rồi tải nó lên WeChat, theo trang web của Tencent.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ tối 24/1 rằng ông chưa nắm được chi tiết sự việc, song nhấn mạnh "cáo buộc Trung Quốc can thiệp là hành động phỉ báng và bôi nhọ vô căn cứ". "Chúng tôi không và không có hứng thú với chuyện can thiệp vào các quốc gia khác", ông nói.
Thượng nghị sĩ Paterson trong khi đó cho hay đội ngũ của Thủ tướng Morrison bắt đầu gặp sự cố khi đăng nhập tài khoản WeChat của ông từ giữa năm 2021. Chính phủ Australia đã viết thư cho WeChat yêu cầu khôi phục tài khoản, nhưng không nhận được hồi đáp. Bài đăng cuối cùng của Thủ tướng Morrison trên tài khoản này là vào tháng 7/2021, khi ông liệt kê những hỗ trợ kinh tế cho người dân bị mất việc làm vì các biện pháp phong tỏa ngăn dịch.
Do quy định của WeChat rằng tài khoản công chúng (tài khoản giống một trang blog hay cổng tin tức) phải được đăng ký bởi công dân Trung Quốc, nên khi đăng ký tài khoản này, Thủ tướng Morrison đã nhờ đến một bên trung gian Trung Quốc.
Tên tài khoản đột ngột thay đổi vào tháng 10/2021 từ ScottMorrison2019 thành Aus-Chinese New Living. Vào tháng 11/2021, Tencent xác định Fuzhou 985 Information Technology, công ty phần mềm máy tính và công nghệ thông tin có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, là chủ sở hữu mới của tài khoản. Tài khoản này hiện cung cấp thông tin cho người Trung Quốc ở nước ngoài về cuộc sống tại Australia.
Huang Aipeng, đại diện pháp lý của Fuzhou 985, xác nhận trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng công ty thực sự là chủ sở hữu tài khoản WeChat trên, song khẳng định anh không biết chủ nhân trước đây của nó là Thủ tướng Australia.
"Chúng tôi không biết tài khoản công chúng này được sử dụng để làm gì", Huang nói. Huang giải thích rằng ông đã mua tài khoản qua con đường hợp pháp vì công ty cần một tài khoản WeChat đã có lượng người theo dõi nhất định. Anh ta từ chối cho biết mua nó từ ai.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Morrison gặp vấn đề với gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc. Năm 2020, tài khoản WeChat của ông đăng bài viết chỉ trích hình ảnh đồ họa được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên Twitter, cho thấy cảnh một binh sĩ Australia đang kề dao vào cổ một đứa trẻ Afghanistan. WeChat đã kiểm duyệt bài đăng của Thủ tướng Morrison với lý do nó vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Canberra từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Australia. Mối quan hệ lao dốc năm 2020, khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc nCoV và Trung Quốc áp thuế đối với loạt hàng hóa nhập khẩu từ nước này, trong đó có rượu vang và lúa mạch. Australia cũng lên tiếng về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Một số quan chức Australia đã tuyên bố sẽ từ bỏ WeChat nhằm phản ứng việc Thủ tướng Morrison bị mất tài khoản. Gladys Liu, nghị sĩ sinh ra ở Hong Kong và có khu vực bầu cử bao gồm cộng đồng người Australia gốc Hoa, cũng nằm trong số đó.
"Hành động can thiệp vào các quy trình chính trị của chúng ta là không thể chấp nhận, đặc biệt là trong năm diễn ra bầu cử. Vấn đề này cần được tất cả các chính trị gia Australia coi trọng", bà cho biết. "Vì những lo ngại đó, tôi sẽ không sử dụng tài khoản WeChat để giao tiếp cho đến khi họ đưa ra lời giải thích".
Bộ trưởng Di trú Alex Hawke không sử dụng WeChat từ năm 2019 nhưng cũng quả quyết rằng ông "không có ý định sử dụng nó trong tương lai gần".
Vũ Hoàng (Theo NY Times)