Tướng Oleksandr Tarnavsky, tư lệnh nhóm tác chiến - chiến lược Tavria phụ trách mặt trận phía nam của quân đội Ukraine, hôm nay thừa nhận "vấn đề rất lớn" với các đơn vị tiền tuyến là thiếu đạn pháo. "Tình trạng khan hiếm được ghi nhận trên toàn bộ tiền tuyến, trong đó đặc biệt thiếu hụt là đạn cỡ 122 và 152 mm chuẩn Liên Xô", ông cho hay.
Tướng Tarnavsky thêm rằng sụt giảm viện trợ quân sự từ nước ngoài cũng tác động đến tình hình chiến trường. "Mức độ cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu, buộc các đơn vị tái phân bổ khí tài và đạn dược. Chúng tôi phải xây dựng lại kế hoạch và thu gọn quy mô tác chiến", chỉ huy Ukraine nói nhưng không công bố chi tiết.
Các đơn vị Ukraine ở mặt trận đông nam đã chuyển sang thế phòng thủ, nhưng duy trì hoạt động tấn công tại một số khu vực. "Chúng tôi vẫn đặt mục tiêu chiến thắng và đang chuẩn bị lực lượng dự bị cho những hoạt động quy mô lớn", tướng Tarnavsky khẳng định.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ tiếp tục chặn gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD cho Ukraine. Hungary hồi tuần trước cũng ngăn cản gói viện trợ 50 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine, khiến các nước thành viên khác phải tiếp tục thảo luận vấn đề này vào năm sau.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tháng trước thừa nhận EU không thể đạt mục tiêu cung cấp một triệu viên đạn pháo 155 mm cho Ukraine trước tháng 3/2024 như kế hoạch. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sau đó nói rằng EU mới chuyển 300.000 viên đạn pháo trong cam kết.
Kể từ khi xung đột bắt đầu năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 274 tỷ USD, trong đó gần 152 tỷ USD viện trợ tài chính, 105 tỷ USD viện trợ quân sự và khoảng 17 tỷ USD viện trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt trong thành trì ủng hộ Ukraine của phương Tây, khi cuộc phản công mong đợi của Kiev không mang lại đột phá và sự chú ý của thế giới tập trung vào xung đột Israel - Hamas.
Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức hồi đầu tháng công bố nghiên cứu cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Trong số 42 quốc gia từng viện trợ cho Ukraine, 20 nước cam kết đưa ra các gói viện trợ mới trong ba tháng qua, tỷ lệ thấp nhất kể từ đầu xung đột.
Vũ Anh (Theo Reuters)