Trung tâm ICU quy mô 360 giường do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7), là một trong những đơn vị hồi sức tuyến cuối bệnh nhân Covid-19 do Bộ Y tế cùng TP HCM thiết lập từ cuối tháng 7. Khi ấy, số ca nhiễm tại thành phố tăng nhanh liên tục, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch và tử vong.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICU Bạch Mai tại TP HCM, cho biết sau hơn hai tháng hoạt động, kể từ hôm 11/8, nơi này tiếp nhận hơn 1.300 F0, đa phần là bệnh nhân nguy kịch. Trung tâm đã áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại, cứu sống nhiều người bệnh đưa họ trở về đoàn tụ gia đình. Trung tâm cũng đào tạo, hỗ trợ điều trị, hội chẩn cùng 10 bệnh viện vệ tinh của thành phố, góp phần ngăn F0 trở nặng ngay từ tuyến dưới.
"Những ngày cháy hết mình tại TP HCM chắc chắn sẽ là những kỷ niệm vô cùng ý nghĩa và mãi mãi không bao giờ quên trong cuộc đời chúng tôi", bác sĩ Sơn chia sẻ. Thời gian qua, hơn 540 y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai, hơn 370 người từ các bệnh viện khác cùng trên 50 nhân lực từ Sở Y tế TP HCM, tham gia điều trị bệnh nhân tại trung tâm ICU này.
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm ICU tại TP HCM, cho biết đã trải qua nhiều đợt dịch ở các tâm điểm khác nhau trước đây, nhưng khi nhận nhiệm vụ thiết lập trung tâm ICU 500 giường trong thời gian ngắn, là điều "chưa từng có trong lịch sử". Ngay cả Bệnh viện Bạch Mai quy mô 3.500 giường chỉ có 70-80 giường ICU.
"Tôi còn nhớ thời khắc lịch sử, sau khi hoàn thiện phương tiện máy móc chạy thử và khử khuẩn, ngay đêm đó, khoảng 23h, trung tâm chúng tôi bắt đầu nhận bệnh nhân. Chỉ trong đêm đầu tiên đã có 60 bệnh nhân nhập viện, sau một ngày lên đến hơn 100 ca", giáo sư Tuấn nhớ lại. Việc điều trị, thực hiện các thủ thuật hồi sức, cấp cứu số lượng bệnh nhân lớn, lại nặng như vậy, là điều các y bác sĩ chưa từng chứng kiến.
Các y bác sĩ đi chi viện với khí thế xung phong ra trận, chuẩn bị đầy đủ tâm lý, sức khỏe, song khi bắt tay vào cuộc, họ, cũng như bản thân giáo sư Tuấn, "cảm thấy choáng". Đêm đầu, tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nặng và có ca tử vong, hầu hết kíp trực đầu tiên về phòng đều khóc.
"Các chuyến xe lặng lẽ đưa nhân viên y tế chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi rồi chở ca mới đến bệnh viện, mọi người không ai nói với ai lời nào", ông Tuấn hồi tưởng. Sau hơn một tháng, việc điều trị bệnh nhân đã có dấu hiệu tích cực, khi đó tâm lý mọi người mới ổn định trở lại.
Hai ngày trước, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng bàn giao Trung tâm ICU tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh) cho Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, sau hơn hai tháng hỗ trợ TP HCM điều trị gần 1.000 bệnh nhân.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch bệnh tại TP HCM cơ bản đã được kiểm soát, các đoàn chi viện đang dần rút về địa phương. Từ tháng 7 đến nay, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, Trung vào chi viện.
Theo ông Sơn, trước đó Bộ Y tế đề nghị TP HCM sắp xếp để các đoàn chi viện rút về địa phương, chậm nhất là ngày 15/10. Tuy nhiên, một số trung tâm hồi sức vẫn còn người bệnh thì lực lượng hỗ trợ tiếp tục ở lại. Chẳng hạn, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục hỗ trợ thành phố vận hành trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú) đến cuối năm.
"Trước khi rút chi viện, các bệnh viện tuyến trung ương sẽ chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng tại chỗ, giúp công tác điều trị không bị gián đoạn", ông Sơn nói.
Trước việc có lo ngại các đoàn chi viện rút đi mang theo thiết bị sẽ khiến thành phố thiếu máy móc điều trị ICU, Thứ trưởng Y tế cho biết, các đoàn chi viện rút đi cùng với trang thiết bị từng mang theo vào TP HCM trước đó, còn những trang thiết bị mà Bộ Y tế và các doanh nghiệp tài trợ cho các trung tâm ICU vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu, điều trị người bệnh.
"Trong trường hợp thiếu trang thiết bị, Bộ Y tế tiếp tục điều động hỗ trợ thành phố", ông Sơn nói và cho rằng các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương... luôn hỗ trợ thành phố khi cần, không để thiếu trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.
Ông Sơn đánh giá cao khả năng đáp ứng của ngành y tế TP HCM trong bối cảnh dịch đang có nhiều tín hiệu khả quan, số ca mắc và tử vong giảm mạnh. "Trong thời gian qua, chúng ta có những lúc khó khăn, có những lúc dịch bùng phát rất mạnh, lực lượng hỗ trợ và y tế TP HCM cùng chung vai sát cánh nỗ lực điều trị bệnh nhân, nhờ vậy đạt được kết quả tốt như hôm nay", thứ trưởng Sơn chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng gửi lời tri ân các đồng nghiệp từ nhiều bệnh viện, tỉnh thành đã đến với TP HCM, chia sẻ cùng ngành y tế thành phố trong thời gian qua. Hai tuần qua, số ca mắc tại thành phố tiếp tục có xu hướng giảm, số ca xuất viện tiếp tục tăng. Hôm qua, thành phố ghi nhận 61 ca tử vong, giảm rõ rệt sau thời gian dài số ca tử vong đều trên ba con số. Đây là công sức, thành quả đến từ rất nhiều nỗ lực, đoàn kết của đội ngũ y bác sĩ khắp cả nước, theo ông Thượng.
Theo lộ trình của Sở Y tế TP HCM, các bệnh viện dã chiến trị Covid-19 của thành phố lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm. Các bệnh viện đang chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần để điều trị Covid-19 sẽ được phục hồi công năng để tiếp nhận bệnh nhân thông thường. TP HCM sẽ triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" tại các bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14, tương ứng với ba trung tâm hồi sức nằm kế cạnh.