Giữa trưa nắng gay gắt, sông Vàm Cỏ Tây rộng khoảng 70 m, đoạn chảy qua ấp Ông Lễ (Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) phủ kín màu xanh lục bình, kéo dài hơn 2 km. Chiếc xuồng máy giăng lưới loại nhỏ của vợ chồng anh Lê Văn Thành (37 tuổi) đỗ trước bến nhà nổ máy, hướng ra sông. Tuy nhiên, mới chạy được chừng vài chục mét, anh Thành phải giảm tốc độ vì chân vịt máy bị vướng rễ lục bình.
"Ngày nào cũng vậy, nước ròng chảy xiết còn trống chút đỉnh, còn nước lớn là lục bình kín mặt sông, ghe xuồng chạy chậm hơn gấp đôi bình thường, ban đêm còn khổ hơn nữa", anh Thành nói.
Thỉnh thoảng, trên sông có vài chiếc sà lan chở cát loại nghìn tấn chạy qua, đẩy lục bình dạt ra hai bên, vô tình mở lối đi cho các phương tiện khác, nhưng chỉ 5 phút sau, mọi thứ lại đâu vào đấy.
Để lục bình không xâm nhập vào các con kênh nội đồng, ghe xuồng vận chuyển phân thuốc dễ dàng cho vụ mùa, người dân phải dùng dây, phao làm hàng rào ngăn chặn.
Ông Nguyễn Thanh Kiệt, Bí thư chi bộ ấp Ông Lễ cho hay, tình trạng lục bình dày đặc trên sông, kênh rạch đã diễn ra hàng chục năm nay. Mỗi năm, vào mùa khô, mực nước trên sông giảm nên lục bình thường sinh sôi nhanh hơn. Do lòng sông quá rộng, dài 186 km qua địa bàn nhiều huyện của Long An, nên việc vớt lục bình theo kiểu thủ công là bất khả thi.
Một vấn đề nghịch lý, lục bình gây cản trở cho các ghe, tàu, nhưng lại là cây xóa đói giảm nghèo với nhiều gia đình. Nhiều hộ khó khăn đã "thầu" lại các bến ven sông với giá rẻ, khoảng vài trăm nghìn đến một triệu đồng một năm. Sau đó, họ dùng dây giăng, cây cắm thành bãi trồng lục bình quanh năm, cắt bán cho các cơ sở gia công đồ mỹ nghệ với thu nhập một người hơn hai triệu đồng mỗi tháng.
"Sau khi cắt phần thân, những người trồng vứt bỏ các phần gốc già ra kênh, các gốc lục bình sau đó tiếp tục sinh sôi, gây ách tắc giao thông", ông Kiệt nói.
Cách đó gần 20 km, nhiều đoạn sông tại xã biên giới Tuyên Bình (Vĩnh Hưng) cũng chung tình trạng. Ông Huỳnh Thành Được, Phó chủ tịch UBND xã cho hay, trước đây, địa phương được tỉnh hỗ trợ kinh phí để diệt lục bình. Từ hai năm nay, kinh phí này không còn, mỗi năm xã phải chi ra khoảng 100 triệu đồng để khơi thông kênh rạch.
"Tuy nhiên, do lượng lục bình sinh sôi quá nhanh, nên kinh phí này cũng rất hạn chế, chúng tôi rất mong cấp trên xem xét, hỗ trợ thêm", ông Được nói.
Tại huyện đầu nguồn lũ Tân Hưng, ông Trần Tấn Tài, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, do cấp trên không còn hỗ trợ kinh phí diệt lục bình hàng năm, nên chủ yếu các xã dùng kinh phí hạn hẹp để tuyên truyền người dân không trồng lục bình trên kênh, rạch.
"Hiện tỉnh đã cấm phun thuốc diệt lục bình vì ô nhiễm, trong khi chưa có chế tài với hành vi trồng lục bình, nên giải pháp trước mắt là vận động người dân vớt lục bình trước nhà mình, các kênh lớn thì sẽ do nhà nước đảm nhận", ông Tài nói.
Tỉnh Long An từng ký hợp đồng với một đơn vị tại TP HCM chế tạo máy vớt lục bình 3 tỷ đồng, nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả. Sau đó, một máy vớt khác 2,6 tỷ đồng cũng được đề xuất mua, nhưng không được UBND tỉnh chấp nhận vì quá đắt.
Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho biết, trước đây, mỗi năm tỉnh chi hơn 2 tỷ đồng để vớt lục bình. Hai năm trước, do kinh phí hạn chế, nên tỉnh không còn hỗ trợ mà giao lại cho địa phương thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển thủy lợi nội đồng, trong đó có kế hoạch vớt lục bình trên sông, rạch.
"Đối với các huyện Đồng Tháp Mười, đến hết năm sau phải có 50% chiều dài kênh mương phải được vớt hết lục bình, các huyện phía Nam là 70%, kinh phí từ ngân sách địa phương kết hợp đóng góp ngày công lao động của người dân", ông Thuần nói.
Hoàng Nam