Đầu phiên xử buổi chiều, phần tranh luận "mở hàng" với phần bào chữa của 4 luật sư bảo vệ bị cáo Phạm Thanh Bình. Là người đầu tiên trình bày, ông Phan Trung Hoài đề cập đến nguyên yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến vi phạm của thân chủ.
Ông Hoài nêu ra chủ trương thí điểm trong hoạt động của tập đoàn Vinashin cho phép tập đoàn này kinh doanh đa ngành. Trong những năm đầu tiên, tập đoàn đã hình thành được cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ nhân viên chuyên môn cao, gây dựng được thương hiệu tại Việt Nam và đối tác quốc tế.
Ông Hoài cho rằng, tập đoàn Vinashin hoạt động thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên có những hạn chế, bất cập. Phần lớn hoạt động của tập đoàn chủ yếu vay vốn các ngân hàng, trong khi tàu biển là ngành công nghiệp đặc thù của tập đoàn, tài sản cố định lớn. “Dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, dẫn đến lỗ lãi bất thường. Trong khi đó, năm 2008, cả thế giới khủng hoảng kinh tế, Vinashin cũng chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông Hoài trình bày.
Bên cạnh yếu tố khách quan trên, vị luật sư nhiều kinh nghiệp này cho rằng thân chủ của mình là một trong những lãnh đạo có bề dày năng lực chuyên môn. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những hạn chế về quản lý, điều này ông Bình cũng đã thừa nhận trong các phần xét hỏi.
Bị cáo Phạm Thanh Bình: “Tôi có cảm giác diễn biến như trong phiên tòa sơ thẩm". Ảnh: Việt Dũng |
Cùng bào chữa cho ông Bình là luật sư Nguyễn Minh Tâm. Ông Tâm cho rằng việc tàu Hoa Sen hoạt động thua lỗ là do khủng hoảng kinh tế, vào thời điểm đó hầu như các tàu khác cũng gặp khó khăn tương tự. Hai luật sư còn lại tham gia bào chữa cho ông Bình đề cập đến vai trò, trách nhiệm của thân chủ trong các dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân.
Cụ thể, trong dự án nhiệt điện song Hồng, tập đoàn Vinashin có 51% vốn đầu tư, tuy nhiên số vốn này mới chỉ là “góp miệng”, trên thực tế tập đoàn chưa bỏ một đồng vào dự án. Dự án do bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) vay tiền đầu tư và chỉ “mượn danh” của tập đoàn. Đến nay, dự án nhiệt điện song Hồng dù không được xét duyệt, nhưng đất đai được UBND Nam Định cấp phép đến nay vẫn “kiếm lời”. Các luật sư cho rằng, ông Bình không có trách nhiệm dân sự của hai dự án nhà máy nhiệt điện.
4 luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch Vinashin bày tỏ quan điểm không đồng tình với báo cáo kết quả định giá, thẩm định thiệt hại của công ty thẩm định Vinacontral. “Công ty Vinacontral ký với cơ quan chức năng về việc thẩm định chỉ là hợp đồng dân sự, không thể coi là kết quả giám định pháp y”, một luật sư trình bày.
Sau phần bào chữa của 4 luật sư, trước vành móng ngựa, ông Bình tỏ ra thất vọng: “Tôi có cảm giác diễn biến như trong phiên tòa sơ thẩm. Tôi đề nghị xem xét lại tất cả những gì tôi đã trình bày từ hôm qua đến giờ”.
Trong hai ngày qua, ông Bình cho biết kháng cáo vì mức bồi thường quá lớn (hơn 500 tỷ đồng). Cựu tổng giám đốc Vinashin cho rằng, chỉ tính riêng về án phí dân sự hơn 600 triệu đồng. “Việc tính lãi từ thời điểm bị khởi tố đến khi xét xử, tôi không có khả năng để trả”, ông Bình thấp giọng và "kể nghèo" rằng cả gia đình đều làm trong cơ quan nhà nước.
Bị cáo Trần Văn Liêm (người bị coi là có vai trò thứ hai trong vụ án sau ông Bình) cũng mời 3 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi tại phiên phúc thẩm. Các luật sư cho rằng, mức án 19 năm tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng vì thân chủ của mình thực hiện chỉ theo chỉ đạo của ông Bình. “Bị cáo không phải là người quyết định đầu tư”, một luật sư trình bày.
Bào chữa về phần bồi thường dân sự, các luật sư không "tâm phục khẩu phục" cách tính thiệt hại trong thương vụ mua tàu Hoa Sen khiến bị cáo Liêm phải chịu trách nhiệm bồi thường đến 495 tỷ đồng (bằng với ông Bình). Họ cho rằng mức tiền này là quá lớn.
Dự kiến ngày mai (30/8), Tòa sẽ tuyên án.
Việt Dũng