Phần lớn thời gian trong buổi chiều, HĐXX cấp phúc thẩm tiếp tục xoáy sâu làm rõ trách nhiệm của cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình trong việc mua con tàu nghìn tỷ Hoa Sen.
HĐXX và các luật sư hỏi khá nhiều về quá trình mua tàu, việc kinh doanh không hiệu quả khiến thua lỗ. Cũng như phiên xử buổi sáng, ông Bình cho rằng, do khủng hoảng kinh tế năm 2007 đã khiến lợi nhuận không như mong đợi.
Theo bị cáo Bình, việc mua con tàu cũ này đã được tính toán kỹ lưỡng. “Con tàu rất phù hợp với việc khai thác tại Việt Nam”, ông nói. Theo giải thích của cựu chủ tịch Vinashin, đối với dự án vận tải đường biển Bắc – Nam, việc mua con tàu là cần thiết, nếu đóng mới giá thành sẽ đắt gấp đôi, chưa kể đến thời gian hoàn thành mất khoảng 4-5 năm như vậy dự án sẽ bị chậm. Chưa kể đến việc phải có mẫu tàu thì mới làm được.
“Theo tính toán của chúng tôi, con tàu như thế hoạt động liên tục trong vòng 10-12 năm mới có thể thu hồi vốn, có lãi”, ông Bình trình bày. Theo cựu tổng giám đốc Vinashin, việc mua tàu chỉ là nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại của dự án. Từ khi mua tàu đến khi đưa vào khai thác giá dầu đã tăng gấp đôi. “Không chỉ có tàu Hoa Sen mà nhiều tàu khác, trong đó có các tàu quốc tế phải neo đậu lại các cảng biển vì khủng hoảng kinh tế. Hậu quả là tổng thể của các nguyên nhân chủ quan và khách quan”, ông Bình nói.
Bị cáo Phạm Thanh Bình. |
"Ông tổng" Vinashin bức xúc khi bản án sơ thẩm tuyên buộc ông phải bồi thường gần 500 tỷ đồng cho thiệt hại tại dự án mua tàu Hoa Sen. Bị cáo tính, con tàu được mua hơn 1.296 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí khác là hơn 1.400 tỷ. Trong số tiền này theo ông Bình “nhớ”, chi phí cầu cảng đã trên 100 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều chi phía khác phục vụ cho hoạt động của con tàu.
Tại phiên phúc thẩm, ông Bình 'tố' nhà chức trách định giá con tàu quá thấp, khiến phần thiệt hại ông phải "gánh" là quá lớn. Bản án sơ thẩm xác định, sai lầm trong việc mua tàu của người đứng đầu Vinashin này đã gây thiệt hại hơn 990 tỷ đồng. Khoản tiền này, ông Bình và một thuộc cấp phải chia nhau bồi thường. “Chính vì tính thiệt hại chưa thoả đáng nên tôi mới kháng cáo đề nghị xem xét”, bị cáo Bình trình bày.
Có mặt tại phiên toà để giải đáp vấn đề này, đại diện của cơ quan giám định Vinacontrol khẳng định, việc định giá con tàu căn cứ tài liệu cơ quan điều tra cung cấp. Kết quả giám định giá trị con tàu được Vinacontrol thực hiện từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau.
Liên quan việc giải ngân mua tàu, bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên phó giám đốc một công ty thành viên của Vinashin) thừa nhận dự án chưa được thẩm định nhưng bà đã chuyển 80 tỷ đồng cho Công ty Viễn Dương thực hiện hợp đồng mua tàu. Tuy nhiên, bà Hậu cho rằng vẫn thực hiện đúng quy chế vay tín dụng. Khác với tinh thần suy sụp ở phiên sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm, người phụ nữ này “tranh nói” cả với HĐXX và cho rằng không phạm tội như bản án tuyên phạt.
Cuối buổi chiều, HĐXX phúc thẩm về sai phạm các dự án nhà máy nhiệt điện sông Hồng, nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân và dự án bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang với bị cáo Bình và các bị cáo khác. Theo án sơ thẩm, dự án nhà máy nhiệt điện song Hồng tại ban quản lý các khu công nghiệp Nam Định không có trong quy hoạch phát triển hệ thống điện lưới quốc gia, chưa đủ pháp lý để triển khai. Dưới sự chỉ đạo của ông Bình, Nguyễn Văn Tuyên (giám đốc công ty Hoàng Anh, một công ty thành viên của Vinashin) đã yêu cầu kế toán trưởng Đỗ Đình Côn làm các thủ tục thanh toán chi phí. Công ty Hoàng Anh đã thực hiện các thủ tục vay vốn ngắn hạn từ Ban tài chính Vinashin và làm giả hồ sơ vay gần 43 tỷ đồng. Ông Bình cho rằng về mặt chủ trương, cách thức thực hiện là không sai. Sau khi công ty Hoàng Anh đề xuất dự án trên, ông Bình đã đồng ý. Bị cáo giải thích, dự án trên là phù hợp vì thời điểm đó hệ thống điện lưới quốc gia 110KV chưa đi qua khu công nghiệp nên rất thiếu điện. Tuy nhiên khi thực hiện dự án, do mua máy móc thiết bị nhiệt điện cũ của Hàn Quốc chưa đưa vào sử dụng được vì bị đình chỉ. Thất thoát từ dự án này được xác định trên 224 tỷ đồng.
Ngày mai, phiên toà sẽ tiếp tục làm việc.
Tại phiên sơ thẩm, TAND Hải Phòng tuyên bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin mỗi bị cáo hơn 490 tỷ đồng. Ông Bình và Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Án sơ thẩm 16 năm) và Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, 10 năm tù) phải liên đới bồi thường cho Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh. Bị cáo Bình và Tuyên mỗi người gần 14 tỷ đồng; bị cáo Côn gần 7 tỷ. Ông Bình và Côn liên đới bồi thường cho Công ty TNHH Một thành viên CNTT Cái Lân, chia phần mỗi bị cáo gần 17 tỷ đồng. Bị cáo Bình và Côn phải bồi thường cho Công ty nhiệt điện Cái Lân hơn 16 tỷ đồng. Bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu. Án sơ thẩm phạt 11 năm tù) bồi thường cho Tổng Công ty CNTT Nam Triệu hơn 25 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Tuấn Dương (không kháng cáo) phải bồi thường cho Công ty đầu tư Cửu Long gần 30 tỷ đồng. Hải Hưng |
Việt Dũng