Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump tuyên bố sẽ trục xuất hàng loạt người di cư và chấm dứt chính sách cấp quyền công dân cho người nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ, điều vốn được quy định trong Tu chính án thứ 14 của hiến pháp nước này.
"Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, chịu sự quản lý của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú", Tu chính án thứ 14 được quốc hội Mỹ phê chuẩn vào năm 1868 nêu rõ. Chính sách này nhằm đảm bảo rằng con cái của những nô lệ được đưa tới Mỹ trái với ý muốn của họ đều được công nhận là công dân Mỹ.
Giới quan sát cho rằng ngôn ngữ trong Tu chính án thứ 14 rất rõ ràng, khẳng định bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ của Mỹ đều mặc nhiên trở thành công dân nước này. Quyền này còn được gọi là jus soli, hay "quyền của người sinh ra trên lãnh thổ".
Kể từ đó, quyền này đã được áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của đứa trẻ là người nhập cư bất hợp pháp hay đến Mỹ bằng thị thực du lịch hoặc du học sinh. Khoảng 27 quốc gia trên thế giới áp dụng chính sách tương tự, cấp quyền công dân cho những người sinh ra trên lãnh thổ, bất kể bố mẹ người đó đến từ đâu.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ông Trump luôn coi đây là "quy định lố bịch", góp phần khuyến khích nhiều nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào Mỹ để sinh con. Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Meet the Press của NBC cuối tuần qua, ông Trump nhắc lại cam kết chấm dứt chính sách này.
Ông và đồng minh nói rằng chính sách jus soli đang thúc đẩy nhiều người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc "du lịch sinh con" tại nước này để có quốc tịch. Họ nhấn mạnh quyền này đang bị lạm dụng và cần siết chặt các điều kiện trở thành công dân Mỹ.
"Không nên cấp quyền công dân cho những người chỉ vào Mỹ để sinh con", Eric Ruark, giám đốc nghiên cứu NumbersUSA, tổ chức ủng hộ siết nhập cư, nói.
Tổ chức này ủng hộ những thay đổi về cấp quyền công dân cho trẻ sinh ra tại Mỹ, trong đó yêu cầu ít nhất bố hoặc mẹ của đứa trẻ phải là thường trú nhân hợp pháp hoặc công dân Mỹ.
Trong bài đăng trên trang web chiến dịch tranh cử năm 2023, ông Trump cũng từng đưa ra ý tưởng tương tự và nói rằng sẽ ký thông qua sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu nhậm chức, yêu cầu các cơ quan liên bang xóa bỏ quy định tự động cấp quyền công dân cho người sinh ra ở Mỹ.
Ông nói rằng điều này nhằm đảm bảo con cái của những người nhập cư bất hợp pháp không còn tự động nhận quốc tịch Mỹ và hưởng những phúc lợi xã hội ở nước này.
Priscilla Alvarez, nhà báo của CNN, dự đoán chính quyền mới của ông Trump có thể ngừng cấp hộ chiếu cho con cái của người nhập cư không giấy tờ và tạo ra cuộc tranh cãi pháp lý về vấn đề này. Ngoài ra, nhóm của ông Trump cũng có thể tăng cường "trục xuất nhanh chóng" những người nhập cư không giấy tờ trên khắp nước Mỹ mà không thông qua tòa án, điều này cũng có thể vấp rào cản từ Tu chính án 14 khi vốn quy định đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi người theo luật pháp.
Cả ông Trump và "trùm biên giới" Tom Homan mà Tổng thống đắc cử bổ nhiệm đều nói sẽ không ngần ngại trục xuất cha mẹ của những đứa trẻ là công dân Mỹ, bất chấp việc điều đó đồng nghĩa họ sẽ bị chia cắt với con.
"Nếu bạn đến đất nước này và có con, bạn phải chịu trách nhiệm cho điều đó", ông Homan nói và thêm rằng sẽ nhắm vào những người không giấy tờ sống tại các thành phố có chính sách bảo vệ người nhập cư như Chicago.
Khi còn là tổng thống nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng cố gắng hạn chế cấp thị thực cho những phụ nữ mang thai muốn vào Mỹ sinh con.
Viện Chính sách Di cư ước tính khoảng 5,5 triệu trẻ em Mỹ dưới 18 tuổi có ít nhất bố hoặc mẹ là người nhập cư bất hợp pháp năm 2019, chiếm 7% số trẻ em của nước này. Phần lớn những đứa trẻ đó được cấp quốc tịch Mỹ theo chính sách jus soli.
Một trong những người ủng hộ chính cho ý tưởng chấm dứt jus soli cho con của người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ là luật sư John Eastman. Ông là người thúc đẩy ý tưởng rằng đất nước đã hiểu sai về Tu chính án thứ 14 trong suốt hơn 150 năm qua.
Eastman lập luận cụm từ "chịu sự quản lý của Mỹ" trong Tu chính án thứ 14 về cơ bản đã tước quyền của những người không sống hợp pháp tại nước này. Theo Eastman và một số nhà nghiên cứu khác, quốc hội chỉ cần thông qua đạo luật nêu rõ rằng con cái của những người không sống hợp pháp ở Mỹ không thể có quyền công dân.
Tuy nhiên, đây là lập luận được đánh giá là cực đoan và đã bị nhiều luật sư, thẩm phán bác bỏ.
James Ho, hiện là thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm tại Tòa phúc thẩm liên bang số 5, đưa ra một lập luận khác về chính sách jus soli khi tham gia cuộc phỏng vấn với Reason hồi tháng 11.
"Quyền công dân theo nơi sinh rõ ràng không áp dụng trong trường hợp đất nước đang chiến tranh hoặc bị xâm lược. Không ai trong số những người tôi biết cho rằng con cái của những người nước ngoài tới xâm lăng nước Mỹ lại có quyền công dân Mỹ", ông nói.
Trong một bài bình luận trước đó về việc Texas chăng dây phao trên sông biên giới Rio Grande giáp Mexico để ngăn người vượt biên trái phép, thẩm phán Ho viết rằng Texas đang nỗ lực đẩy lùi "cuộc xâm lăng" của người di cư.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ý tưởng chấm dứt jus soli của ông Trump khó thành. Alex Nowrasteh, phó chủ tịch nghiên cứu về chính sách xã hội và kinh tế tại Viện Cato, khẳng định hiến pháp Mỹ đã nêu rõ việc cấp quyền công dân theo nơi sinh không thể bị chấm dứt bằng sắc lệnh hành pháp.
"Tôi không quan tâm những phát biểu của ông ấy. Ông Trump đã nói những điều như thế trong gần một thập kỷ qua, nhưng không làm bất kỳ điều gì để thúc đẩy chúng trong nhiệm kỳ đầu. Luật pháp và các thẩm phán hoàn toàn phản đối ý tưởng của ông ấy rằng con cái của người nhập cư bất hợp pháp được sinh ra ở Mỹ không phải là công dân Mỹ", Nowrasteh nói.
Một số nhà quan sát cho rằng ông Trump có thể chỉ đạo quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua luật chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, nhưng sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý tại Tòa án Tối cao, vì nó vi hiến.
Chính sách jus soli chỉ bị hủy khi Mỹ thay đổi hiến pháp, điều rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, khi chính trường nước này chia rẽ sâu sắc, theo Zachary Wolf, nhà phân tích của CNN. Wolf thêm rằng không có tu chính án nào được phê chuẩn trong hơn 30 năm qua ở Mỹ.
Những đề xuất thay đổi hiến pháp sẽ cần nhận được ủng hộ của hai phần ba phiếu bầu ở lưỡng viện quốc hội hoặc được 2/3 số bang ủng hộ trong hội nghị hiến pháp. Sau đó, tu chính án cần được phê chuẩn bởi ba phần tư số nhà lập pháp tại nghị viện bang, hoặc thông qua các hội nghị đặc biệt được triệu tập ở mỗi bang.
"Hầu như không có luật sư hay học giả uy tín nào đồng ý với Tổng thống đắc cử Trump về việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh và không có tiền lệ nào ủng hộ ý tưởng này", Aaron Reichlin-Melnick, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Di trú Mỹ, nói.
Thùy Lâm (Theo AP, CNN, Politico)