Giữa tháng 6, đồng lúa vụ hè thu hơn 3 ha của 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, được khoảng 60 ngày tuổi chậm phát triển, nhiều chỗ ngả màu vàng, suy yếu, có dấu hiệu chết dần.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết ruộng lúa hơn 2.800 m2 cặp sát cao tốc của gia đình sau khi gieo sạ thì cây chết dần do nhiễm mặn. Đến nay còn một tháng đến thu hoạch, song lúa mọc lưa thưa, chưa thể trổ đòng, nhiều chỗ cây thối rễ. Hai tuần trước ngành chức năng huyện Vị Thủy xuống kiểm tra, ghi nhận thiệt hại mảnh ruộng của ông khoảng 50%.
Theo ông Sơn, vùng đất này từ trước tới nay nước ngọt quanh năm, nông dân trồng lúa đạt năng suất cao, mỗi vụ đạt 7-8 tấn/ha. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, liên tiếp vụ đông xuân và hè thu xảy ra tình trạng lúa chết khi tuyến cao tốc chạy ngang qua bơm cát đắp nền, nước tràn xuống ruộng. Trên nền đường sau bơm cát, người dân phát hiện "nhiều mảnh sò, ốc... vốn có ở vùng nước mặn".
Cách đất của ông Sơn khoảng 100 m, ruộng lúa hơn 4.000 m2 của ông Phạm Văn Em, 57 tuổi, rơi vào tình trạng mất mùa tương tự. Hai vụ liên tiếp, phần lớn lúa sinh trưởng èo uột. Điều khiến chủ ruộng lo lắng nhất là tình trạng nhiễm mặn vào đất sẽ ảnh hưởng lớn đến việc trồng lúa sau này.
Sau khi kiểm tra, mới đây cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang xác định lúa chết ở khu vực trên do nguồn nước nhiễm mặn ở cả vụ đông xuân và vụ hè thu (đang giai đoạn gieo mạ).
Trong đó, ở vụ đông xuân, độ mặn đo giữa tháng 3 tại vị trí lúa chết từ 2-3 phần nghìn, vụ hè thu độ mặn là 6,6 phần nghìn... Nước mặn làm nhiều diện tích lúa thiệt hại 20-70%. Ảnh hưởng nặng nhất là ruộng lúa của 9 hộ dân với tổng diện tích gieo sạ là 33.300 m2.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết khu vực lúa chết nằm sát dự án cao tốc vốn là vùng sinh thái nước ngọt. Nơi này chưa bao giờ ghi nhận có nước mặn do thiên tai gây ra. Hơn nữa thời gian qua ngành nông nghiệp chủ động phòng chống mặn xâm nhập. Các công trình thủy lợi vận hành rất tốt nên các vùng đất ở đây được bảo vệ, không thể nhiễm mặn.
"Từ các yếu tố kết hợp lại, nước mặn không bao giờ đến được xã Vị Thắng, tức lúa chết do 'nhân tai' chứ không phải 'thiên tai'", ông Toàn khẳng định.
Đến nay địa phương xác định tổng thiệt hại lúa vụ đông xuân 2023-2024 chết do nguồn nước nhiễm mặn là 44 triệu đồng, nhà thầu đã hỗ trợ cho nông dân. Với vụ hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi. Từ đây các đơn vị chuyên môn và người dân nghi ngờ "lúa chết do nhà thầu dùng cát biển đắp nền cao tốc gây ra nhiễm mặn nguồn nước tại khu vực".
Trong khi đó ông Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn - nhà thầu thực hiện dự án, khẳng định không dùng cát biển làm đường tại địa điểm lúa chết.
"Chúng tôi khẳng định, nguồn gốc, xuất xứ cát được lấy từ An Giang và Đồng Tháp. Việc quản lý nguồn cát được chúng tôi thực hiện rất tốt", ông Bắc nói và đề xuất đào mương nhỏ chạy dọc công trình cao tốc đang làm tại khu vực này để thoát nước mặn ra sông, không ảnh hưởng các vụ lúa sau.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), cho hay sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép, đến nay đơn vị mới thí điểm dùng 5.800 m3 cát biển đắp nền đường ĐT 978 (thuộc dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau) dài gần một km tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây cách huyện vị Thuỷ, Hậu Giang, hơn 60 km.
Việc thí điểm được đơn vị tiến hành từ cuối tháng 3/2023, hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 5 tháng. Kết quả quan trắc môi trường cũng cho thấy dùng cát biển đắp nền đường chưa phát hiện tăng độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và nhà thầu đã làm việc với tỉnh Sóc Trăng, đến nay hoàn tất việc khảo sát, hồ sơ thủ tục cấp quyền khai thác mỏ cát biển theo cơ chế đặc thù. Khi được cấp phép, nhà thầu sẽ dùng 6 triệu m3 cát biển đắp nền đường cao tốc qua tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Trước tình trạng lúa chết bất thường ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang, Văn phòng Chính phủ hôm 5/6 có công văn thông báo ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp hai bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải... làm rõ nguyên nhân và có giải pháp xử lý. Các cơ quan phải báo cáo Chính phủ trước 20/6.
Cao tốc Hậu Giang – Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Dự án có chiều dài trên 73 km, vốn hơn 17.000 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2023, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn đầu, cao tốc rộng 17 m, 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường rộng gần 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tuyến đường khi hoàn thành nối với đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (dài 36,7 km) giúp giao thông miền Tây thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. Hiện, các dự án cao tốc ở đây chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu đắp nền. Ngoài việc đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cát sông, Bộ Giao thông Vận tải cho phép chủ đầu tư thí điểm cát biển đắp nền dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.
An Bình