Pantanal nằm ở rìa phía nam của rừng mưa Amazon được biết là vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới. Khu vực này là một điểm nóng đa dạng sinh học với rất nhiều loài động vật quý hiếm như báo đốm Mỹ, rái cá khổng lồ, cá sấu caiman, khỉ, vẹt đuôi dài và hạc cổ hồng.
Tuy nhiên, hình ảnh về Pantanal xuất hiện trong những tháng gần đây lại chủ yếu là xác động vật bị thiêu cháy hay những ngọn lửa trải dài đến tận chân trời.
Trong một báo cáo mới dựa trên dữ liệu vệ tinh của cơ quan vũ trụ quốc gia Brazil INPE, ít nhất 12.567 vụ cháy đã xảy ra tại vùng đất ngập nước Pantanal kể từ đầu năm 2020 và thiêu rụi hơn 2,3 triệu hecta thảm thực vật, gấp 1,7 lần kỷ lục trước đó vào năm 2005.
Trường nhóm môi trường SOS Pantanal Felipe Dias, người đã theo dõi vùng đất ngập nước này suốt 20 năm qua, mô tả đây là tình trạng tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến. Thiệt hại đối với hệ sinh thái là "không thể khắc phục được".
"Rất ít động vật sống sót. Những con còn sống cũng phải chịu tổn thương nặng nề. Chúng bị bỏng nặng, nhiễm trùng, hoặc có thể chết vì đói và khát. Điều tệ nhất là khi những nhân viên cứu hỏa nói với chúng tôi rằng họ không thể cứu vãn tình hình và đám cháy sẽ tiếp tục lan rộng. Hy vọng duy nhất lúc này là những cơn mưa nhưng chúng có thể sẽ không tới cho đến tháng 11", Juliana Camargo, người đứng đầu nhóm bảo tồn động vật hoang dã AMPARA Animal, nhấn mạnh.
Tuần này, ngọn lửa đã lan đến Công viên Encontro das Águas State, khu bảo tồn thiên nhiên được biết đến là nơi sinh sống của quần thể báo đốm lớn nhất thế giới.
Các tình nguyện viên địa phương và lực lượng quân đội đã được huy động để hỗ trợ nhân viên cứu hỏa khống chế đám cháy, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp do hạn hán nghiêm trọng.
Vùng đất ngập nước Pantanal không còn ẩm ướt như trước. Lượng mưa đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, thường là cao điểm của mùa mưa. Nhiều khu vực từng ngập lụt hiện đã khô cạn. Nhiệt độ cao và gió mạnh đã tạo điều kiện để ngọn lửa bùng phát và lan rộng.
Con người cũng là nguyên nhân đứng sau nhiều vụ cháy. Theo kỹ sư lâm nghiệp Vinicius Silgueiro từ Viện Trung tâm Đời sống (ICV), nông dân và các chủ trang trại địa phương đã đưa nhiều loại cây trồng không phải bản địa, những loài dễ cháy hơn thảm thực vật thông thường, vào Pantanal. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đốt nương làm rẫy cũng vô tình gây ra các vụ cháy lớn ngoài tầm kiểm soát.
Nghiên cứu mới còn cho thấy nạn phá rừng ở Amazon đang có tác động đến lượng mưa tại nhiều khu vực khác ở Brazil. Rừng cây bị đốn hạ khiến những đám mây mù được ví như "sông bay" bị thu hẹp. Mây mù chứa rất nhiều hơi nước và được gió mang tới những vùng rộng lớn ở Nam Mỹ.
"Còn quá sớm để khẳng định liệu hạn hán ở Pantanal trong những năm gần đây có liên quan trực tiếp đến nạn phá rừng hay không, nhưng rõ ràng mọi thứ đã khác trước", Silgueiro cho biết. "Tôi đến từ vùng này. Trước đây vẫn có mưa vào tháng 8 và tháng 9 nhưng năm nay, trời đã ngừng mưa từ tháng 6".
Các nhà nghiên cứu lo những đợt ngại hạn hán bất thường như năm nay có thể trở nên "bình thường" trong tương lai. Đó sẽ là thảm họa đối với hệ sinh thái đất ngập nước Pantanal!
Đoàn Dương (Theo AFP)