Theo một báo cáo được công bố hôm 28/7, khoảng 148 triệu động vật có vú, 180 triệu con chim, 51 triệu con ếch và 2,46 tỷ động vật bò sát đã bị thiêu rụi hoặc phải di dời tới môi trường sống mới trong mùa cháy rừng vừa qua ở Australia.
Ngọn lửa đã tàn phá hơn 115.000 km2 rừng và thảm thực vật trên cả nước. Đây là thảm họa cháy rừng có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Các chuyên gia cho rằng mức độ nghiêm trọng của sự kiện có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu mới do nhà khoa học cấp cao Lily van Eeden tại Đại học Sydney dẫn đầu là cuộc khảo sát thiệt hại đầu tiên trên phạm vi toàn lãnh thổ Australia. Trước đó, một nghiên cứu vào đầu năm nay đã ước tính có một tỷ động vật chết cháy tại New South Wales và Victoria, hai bang miền đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kết quả của cuộc khảo sát mới vẫn đang được cập nhật. Báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 8, nhưng số lượng 3 tỷ động vật bị ảnh hưởng có thể sẽ không thay đổi, theo nhóm nghiên cứu.
"Số liệu tạm thời thực sự gây sốc! Thật khó để liệt kê một sự kiện khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong lịch sử hiện đại giết chết nhiều động vật hoang dã hơn", Dermot O'Gorman, Giám đốc điều hành của Quỹ Thế giới Tự nhiên Australia nhấn mạnh.
Sau thảm họa cháy rừng, khoảng 100 loài động vật và thực vật bản địa nguy cấp ở Australia đang phải chật vật sinh tồn do mất hơn một nửa môi trường sống tự nhiên. Mùa hè dài hơn và mùa đông ngắn hơn do nóng lên toàn cầu cũng khiến công tác phòng chống cháy rừng trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh Đại học Sydney, nghiên cứu mới còn có sự tham gia của Đại học New South Wales, Đại học Newcastle, Đại học Charles Sturt và nhóm bảo tồn BirdLife Australia.
Đoàn Dương (Theo AFP)