![[Caption]](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/10/12/Rosie-O-Beirne-dying-at-home-h-2384-6927-1444643567.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=X5GDfOFowS1C6y2a80SJGA)
Ảnh: adelehorin.com.au.
Health đưa tin, một nghiên cứu trên tờ BMC Medicine nhận định người qua đời tại nhà trải qua giờ phút cuối cùng nhẹ nhàng và yên bình hơn những bệnh nhân ở lại bệnh viện. Hơn nữa thân nhân của họ cũng bớt đau buồn hơn trong những ngày tháng tiếp theo.
Nhóm nhà khoa học từ Đại học King (London) đã nghiên cứu 352 bệnh nhân ung thư tại London. Trong số này 177 người qua đời tại bệnh viện, 175 người chọn nhà riêng. Người thân của họ được yêu cầu hoàn thành bảng hỏi liên quan đến cảm xúc bản thân và tình trạng bệnh nhân trong một tuần trước khi ra đi mãi mãi. Kết quả, 25% bệnh nhân qua đời tại bệnh viện không tìm được sự thanh thản vào tuần cuối cùng trong khi chỉ có 12% bệnh nhân qua đời tại nhà rơi vào tình trạng này.
Trưởng nhóm tác giả là Barbara Gomes cho biết: "Ra đi tại nhà yên bình và bớt đau đớn hơn ở bệnh viện. Người ở lại sẽ được an ủi và vượt qua nỗi đau mất mát một cách dễ dàng hơn". Don Schumacher, chủ tịch kiêm CEO của tổ chức National Hospice and Palliative Care nhận xét: "Mùi hương, sự thân quen, sự thoải mái, tình yêu, những gì bệnh nhân đã xây dựng nên, khu vườn họ đã chăm sóc, tất cả đều ở quanh họ, tạo ra cảm giác nhẹ nhõm vì đã hoàn thành mọi công việc".
Các nhà khoa học cũng tìm ra những yếu tố có thể giúp các bệnh nhân ra đi tại nhà riêng. Đầu tiên cả người bệnh lẫn gia đình phải cùng có chung quyết định. Tiếp đến bệnh nhân cần được chăm sóc và hỗ trợ trong 3 tháng cuối đời. Những nhân tố này là "thiết yếu" và "có mặt trong 91% trường hợp ra đi tại nhà". Như vậy có nghĩa người bệnh cần thể hiện mong muốn với người thân. Gia đình nên thảo luận sớm và rõ ràng, đồng thời liên hệ với những nhân viên y tế có kinh nghiệm để được giúp đỡ.
Tuy vậy, lựa chọn ra đi ở nhà đôi khi trở nên khó khăn vì dịch vụ y tế hạn chế, ví dụ trường hợp các nước như Nhật, Đức, Hy Lạp, Bồ Đào Nha,...
Minh Nguyên