![[Caption]](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/09/11/Emily-Retter-Feature-on-assist-1594-5474-1441937725.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aXKzHTL9m5ybJcwFGnkdMQ)
Christie Arntsen đang phải chiến đấu với ung thư và mong được ra đi theo ý mình. Ảnh: MDM.
Ngồi trong nhà, Christie Arntsen (Anh) đang lướt net. Người phụ nữ 47 tuổi không mua sắm, cũng không kiểm tra email mà tìm kiếm cách thức tự tử. Đây không phải là một bí mật, tất cả thành viên trong gia đình Christie đều biết bà đang làm gì.
Christie được chẩn đoán mắc ung thư vú vào tháng 10/2013, căn bệnh giờ đây đã lan khắp cơ thể. Biết mình sẽ không thể qua khỏi, bà lên kế hoạch tự tử. Bà không muốn mình phải trải qua giai đoạn đau đớn "sống mà không sống", càng không muốn ra đi một cách đột ngột mà không có người thân bên cạnh. Chồng Christie là Jon cùng hai con Josie và Josh đều ủng hộ quyết định này.
"Chúng tôi hỏi bà ấy đã tìm được thông tin nào chưa, đã thấy loại thuốc nào thích hợp chưa", Jon cho biết. Ông đã quen với chủ đề này. "Đúng là có một vấn đề ở đây. Bạn không nên trốn tránh kết cục. Nhưng cũng phải biết rằng làm thế sẽ giảm được rất nhiều tổn thương về mặt tình cảm. Có thể tôi sẽ bị cho là có tội nếu nói điều này giúp tôi cảm thấy khá hơn, nhưng tôi thật sự nghĩ như vậy. Cả gia đình sẽ nhớ về vợ tôi như bà ấy trước đây, chứ không phải một con người bệnh tật chỉ đơn giản tồn tại", ông nói thêm. Cậu út Josh nén đau đớn chia sẻ: "Chẳng còn cách nào tốt hơn. Như thế này, ít ra chúng tôi còn có thời gian".
![[Caption]](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/09/11/Emily-Retter-Feature-on-assist-5797-8938-1441937725.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P0R4naTJqoMmkWQ10sxvRw)
Gia đình của Christie. Ảnh: MDM.
Tuy nhiên, Christie lại gặp rắc rối vì nếu tự kết thúc cuộc đời ở nhà, bà sẽ vô tình khiến gia đình bị kết tội trợ tử. Quyền được chết theo ý muốn vẫn đang được xem xét tại Anh, người phụ nữ không thể đến gặp bác sĩ để xin thuốc một cách hợp pháp. Lựa chọn duy nhất còn lại là đến trung tâm Dignitas ở Thụy Sĩ, nhưng Christie lại tỏ ra không hài lòng. "Trong đầu, tôi tưởng tượng ra chúng tôi ở Thụy Sĩ. Nhưng tôi thấy buồn vì không có lựa chọn nào đất nước mình. Tôi muốn được ở nhà", nữ bệnh nhân chia sẻ. Ngoài ra, bà sẽ phải phải xác định sớm thời điểm muốn ra đi để đặt trước chỗ.
Tại Dignitas, cứ một trên 5 người là công dân Anh. Một thống kê gần đây cho thấy số người ủng hộ quyền được chết theo ý muốn bệnh nhân ở quốc gia này là 82% dù vẫn còn một bộ phận phản đối với lo ngại người lớn tuổi và người tàn tật sẽ bị áp lực. Nếu dự thảo này được thông qua, người mắc bệnh hiểm nghèo chỉ còn sống trong khoảng 6 tháng sẽ được cấp thuốc để "sang thế giới bên kia" sau khi có xác nhận của bác sĩ và Tòa án Tối cao.
Minh Nguyên (Theo Mirror)