Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Nhật Minh |
Bộ trưởng Phúc cho biết thông tin này khi trao đổi với báo chí hôm nay (8/6), bên lề phiên thảo luận Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD.
- Thay mặt Chính phủ ngồi lắng nghe đại biểu thảo luận về đường sắt cao tốc hôm nay, ông suy nghĩ thế nào?
- Tôi thấy rất hay, các đại biểu nêu mặt phải, mặt trái, ưu và khuyết điểm. Trong nửa buổi sáng chúng ta nghe 7 ý kiến, trong đó có 4 ý kiến ủng hộ và 3 ý kiến phân vân. Những ý kiến này giúp bổ sung cho các phần còn thiếu trong giải trình của Chính phủ.
- Sau phiên thảo luận này, Chính phủ có kế hoạch giải trình thêm về dự án trước khi Quốc hội thông qua vào chiều 19/6?
- Báo cáo bổ sung về dự án do Bộ trưởng Giao thông Vận tải trình bày trước đại biểu sáng nay là phần giải trình chính thức của Chính phủ rồi. Công việc bây giờ sẽ do Quốc hội quyết định. Quốc hội sẽ thăm dò ý kiến đại biểu và biểu quyết thông qua.
- Cá nhân Bộ trưởng có yên tâm với khả năng trả nợ vay thực hiện dự án này?
- Vấn đề nợ quốc gia, nợ công được phân tích trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tới đây. Bản thân Chính phủ đã xem xét rất kỹ lưỡng khả năng trả nợ và hiệu quả kinh tế của dự án.
- Báo chí Nhật Bản đưa tin Việt Nam gần như đã quyết định lựa chọn công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản. Thông tin này thực hư thế nào?
- Mới có hướng như vậy thôi, để cân nhắc đối tác có đảm bảo khả năng tài trợ và đáp ứng các điều kiện về tín dụng. Quyết định cuối cùng vẫn chưa có.
- Chính phủ đánh giá thế nào về công nghệ tàu cao tốc Nhật Bản, thưa Bộ trưởng?
- Theo các báo cáo, thống kê chúng ta có được thì công nghệ của Nhật Bản an toàn và phù hợp. Họ có kinh nghiệm làm từ năm 1964 đến giờ. Tất nhiên nếu chọn cũng cần nâng cấp cho hiện đại theo như ý kiến của các đại biểu đã nêu.
Tàu cao tốc Nhật Bản được xếp vào loại nhanh nhất thế giới. Ảnh: flickr |
- Nhưng công nghệ Shinkansen Nhật Bản được đánh giá là đắt đỏ. Tại sao không chọn công nghệ của Đức hay một số nước khác?
- Cần phân tích và lựa chọn kỹ càng. Nếu vừa tốt vừa rẻ càng tốt. Nhưng việc lựa chọn còn liên quan tới nhiều vấn đề. Liệu họ có đồng ý cho mình vay vốn thực hiện dự án hay không? Điều kiện tín dụng thế nào? Điều này rất quan trọng.
- Như vậy có nghĩa việc lựa chọn công nghệ triển khai dự án phải đi đôi với nguồn tài trợ?
- Đúng. Có nhiều điều kiện đồng bộ. Công nghệ tốt nhưng phải có điều kiện tín dụng tốt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư tốt.
- Từng đi tàu cao tốc Nhật Bản, Bộ trưởng cảm nhận thế nào?
- Rất thích.
- Có đại biểu cho rằng tại kỳ họp này chỉ nên quyết định một số vấn đề trong dự án, chẳng hạn chiến lược đầu tư thôi, còn để Quốc hội khóa sau quyết định.
- Chúng ta cứ chờ xem các ý kiến thảo luận thế nào, để có thêm ý kiến phản biện và sẽ quyết định theo đa số. Qua khâu thăm dò, còn chờ Quốc hội biểu quyết nữa cơ mà? Quốc hội quyết thế nào thì Chính phủ sẽ lắng nghe.
- Theo dự cảm của ông, liệu Quốc hội có thông qua dự án?
- Tôi nghĩ Quốc hội sẽ xem xét, phân tích kỹ thêm trước khi quyết định. Chính phủ đã trình bày rồi. Hôm nay Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình đầy đủ và có sức thuyết phục cao.
- Trong trường hợp Quốc hội không thông qua ngay kỳ này, Chính phủ sẽ chuẩn bị các bước tiếp theo thế nào?
- Những vấn đề lớn và quan trọng sẽ được Quốc hội quyết định. Nếu Quốc hội chấp thuận chủ trương và yêu cầu làm báo cáo khả thi, Chính phủ sẽ làm báo cáo khả thi. Trong trường hợp Quốc hội yêu cầu chuẩn bị lại và bổ sung, Chính phủ sẽ bổ sung. Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân và quyết định của Quốc hội.
Song Linh