Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Goni kết hợp với đới gió đông trên cao, từ ngày 5/11 đến sáng nay Quảng Nam mưa rất to. Chiều 6/11, dòng nước đục ngầu chảy ầm ầm từ trên núi xuống thôn 2, xã Trà Leng, mang theo đất đá, củi rác, xô đổ nhiều nhà dân. Nước sông Leng dâng cao, tràn vào nhà dân, cuốn trôi tài sản.
Trưa 7/11, mưa ngớt, bà Hồ Thị Hai cùng người dân thôn 2 trở về nhà sau một đêm sơ tán. Nhưng ngôi nhà làm bằng gỗ kiên cố của gia đình đã bị lũ cuốn mất một phần móng, ván thưng không còn nhiều, có nguy cơ sập.
Nhà bà Hai cách bờ sông Leng hơn 15 m. Đợt mưa lũ cuối tháng 10 khiến bờ sông sạt lở, lấn vào khoảng 5 m. "Sáng qua trời mưa rất to, tôi được chính quyền sơ tán nên giữ được mạng sống", bà Hai nói.
Ngoài nhà bà Hai, trận lũ quét còn khiến 13 ngôi nhà ở thôn 2 và một điểm trường hư hỏng. Trong đó, một số nhà bị sập, đất đá vùi lấp.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết người dân đã được sơ tán trước khi lũ quét tràn về nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, nhiều hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, mất mát tài sản. Họ được bố trí ở tại công sở và nhà người thân. Chính quyền đang tìm kiếm mặt bằng, hỗ trợ dân làm nhà mới.
Ông Dũng cho biết thêm, công tác tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích ở thôn 1, xã Trà Leng, phải tạm dừng vì nước sông Leng đang lớn. Việc tìm kiếm sẽ tiếp tục khi trời ngớt mưa, nước sông rút.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cảnh báo huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm có nguy cơ sạt lở, tập trung tại các xã: Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don...
Trước đó chiều 28/10, thôn 1, xã Trà Leng, cách thôn 2 khoảng 5 km bị sạt lở núi vùi lấp 55 người. Thảm họa khiến 9 người chết, 13 người mất tích. Thôn 2, xã Trà Vân bị sạt lở đất, khiến 8 người chết; xã Trà Mai có một người mất tích đến nay chưa tìm được thi thể.
Tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, núi lở vùi lấp 13 người, đến nay mới tìm thấy 9 thi thể, 4 người còn mất tích.