Oleg Marzoev, sĩ quan dự bị thuộc quân đội Nga, hôm 29/6 đăng video các xe tăng Ukraine bị vô hiệu hóa trong cuộc đột kích thất bại gần làng Zherebyanki thuộc tỉnh Zaporizhzhia. Điều đáng chú ý trong video là chiếc xe tăng T-72 của Lữ đoàn cơ giới 22 quân đội Ukraine, nhưng lại lắp bánh chịu nặng của xe tăng T-62 lạc hậu hơn nhiều.
Hình ảnh này phản ánh thực tế quân đội Ukraine đang phải tung ra chiến trường những lữ đoàn trang bị xe tăng "chắp vá" tăng cường lực lượng tham chiến trên mặt trận Zaporizhzhia, trong bối cảnh các đơn vị sử dụng khí tài phương Tây hứng chịu tổn thất lớn trong chiến dịch phản công.
Quân đội Ukraine đã thành lập hơn 20 lữ đoàn mới để phục vụ chiến dịch phản công quy mô lớn được phát động từ đầu tháng. 9 lữ đoàn trong số này được huấn luyện ở nước ngoài, trang bị xe tăng, thiết giáp và vũ khí chuẩn NATO. Đây được coi là những đơn vị "nắm đấm thép" hiện đại, thiện chiến và có khả năng phối hợp tác chiến tốt, đóng vai trò dẫn dắt chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine.
Số còn lại là các lữ đoàn hỗn hợp, được biên chế khí tài sản xuất từ thời Liên Xô kết hợp với một số tiểu đoàn sử dụng vũ khí phương Tây. Một trong số đó là Lữ đoàn cơ giới 22, đơn vị có khoảng 2.000 quân, vận hành xe tăng chủ lực PT-91, T-72AMT và T-72 Ural.
"Các lữ đoàn hỗn hợp được coi là xương sống của lục quân Ukraine khi chiến sự bước sang tháng thứ 17. Điều đáng chú ý là những đơn vị này chưa xuất hiện ở tiền tuyến, họ vẫn huấn luyện ở khu vực an toàn tại miền bắc và tây Ukraine, hoặc ém quân ở hậu tuyến để sẵn sàng xuất quân khi có lệnh", David Axe, chuyên gia phân tích quân sự của Forbes, nhận định.
Quân đội Ukraine từng duy trì Lữ đoàn cơ giới 22 sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Tuy nhiên, đơn vị này và nhiều lữ đoàn lục quân đã bị giải thể do tình trạng thiếu ngân sách vào đầu thập niên 2000.
Phiên hiệu "Lữ đoàn cơ giới 22" được Bộ Quốc phòng Ukraine khôi phục cuối năm ngoái, khi Kiev tăng cường sức mạnh lục quân. Các quân binh chủng của nước này thành lập nhiều lữ đoàn mới đến mức hết số hiệu để phân bổ theo quy định.
Lữ đoàn 22 bắt đầu huấn luyện tại thành phố Lviv ở miền tây Ukraine trước tháng 2, nhưng chỉ xuất hiện trên truyền thông từ cuối tháng 5.
Hình ảnh được công bố cho thấy Lữ đoàn 22 vận hành các khí tài theo chuẩn Liên Xô gồm xe chiến đấu bộ binh BMP-1, pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad, pháo tự hành 2S1 Gvozdika và 2S3 Akatsiya, cùng pháo phòng không tầm ngắn ZU-23.
"Điểm khác biệt của lữ đoàn 22 là lực lượng xe tăng, gồm ít nhất một tiểu đoàn với 30 chiếc thuộc ba phiên bản khác nhau của dòng T-72. Đơn vị này đang sở hữu một trong những biến thể mới và hiện đại nhất của dòng T-72, bên cạnh những mẫu lạc hậu và có tính năng kém cỏi nhất", Axe nói.
Xe tăng tốt nhất trong biên chế Lữ đoàn số 22 là mẫu PT-91 do Ba Lan chế tạo. Nó dựa trên nền tảng T-72M1, phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng của dòng T-72A Liên Xô, được thay thế động cơ, cụm truyền động, hệ thống điều khiển hỏa lực, kính ngắm và thiết bị nạp đạn tự động. Xe cũng được trang bị các khối giáp phản ứng nổ Erawa do Ba Lan tự sản xuất.
Kết quả là mẫu xe tăng có hình dáng, cơ cấu kíp lái và hỏa lực gần giống bản T-72M1 nguyên gốc, nhưng sở hữu tốc độ và khả năng sống sót cao hơn. Đặc điểm quan trọng nhất là hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại với cụm ổn định hai chiều, tăng đáng kể độ chính xác khi bắn trong trạng thái hành tiến, thay cho cụm ổn định sơ khai và liên tục đòi hỏi căn chỉnh của T-72M1.
"PT-91 là mẫu xe tăng vượt trội so với dòng T-72M1 ra đời từ thập niên 1980. Kính ngắm và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại khiến nó không thua kém dòng T-64BV nội địa của Ukraine và những chiếc Leopard 2 được phương Tây viện trợ", Axe đánh giá.
Ba Lan đã viện trợ cho Ukraine ít nhất 60 xe PT-91 và hàng trăm chiếc T-72M/M1 nguyên bản. 31 chiếc PT-91 dường như được biên chế cho Lữ đoàn cơ giới 117, một trong các đơn vị dùng khí tài chuẩn phương Tây. Số xe tăng PT-91 còn lại được phân bổ cho nhiều lữ đoàn khác.
Phần còn lại của Lữ đoàn 22 là xe tăng T-72AMT và mẫu T-72 Ural nâng cấp, trong đó T-72AMT là gói nâng cấp của riêng Ukraine để tăng khả năng chiến đấu cho những chiếc T-72A thời Liên Xô.
T-72 Ural ra đời năm 1973, là biến thể sản xuất hàng loạt đầu tiên của dòng xe tăng này, sử dụng thiết bị đo xa quang học. Đây được coi là mẫu lạc hậu nhất và có tính năng chiến đấu kém nhất của dòng T-72.
Phiên bản cải tiến T-72A được đưa vào biên chế từ năm 1979, có khả năng phòng vệ cao hơn nhờ bổ sung giáp phức hợp, thiết bị đo xa laser và hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử.
Một nhược điểm của T-72 Ural và T-72A nguyên gốc là hệ thống nhìn đêm chủ động, gồm đèn pha hồng ngoại và kính ngắm. Điều này khiến xe tăng dễ bộc lộ vị trí và phải hứng chịu hỏa lực nếu đối mặt với những lực lượng được trang bị kính nhìn đêm.
Phiên bản T-72AMT và Ural nâng cấp của Ukraine khắc phục vấn đề này khi trang bị kính nhìn đêm thụ động có khả năng khuếch đại ánh sáng môi trường, khiến chúng khó bị phát hiện bởi kính nhìn đêm thông thường.
Tuy nhiên, những gói nâng cấp này không thể giúp xe tăng T-72 Ukraine đối phó với vũ khí phòng thủ lợi hại nhất của Nga hiện nay là trận địa mìn dày đặc. Bãi mìn lớn nhất thế giới này được coi là trở ngại lớn nhất khiến Ukraine chưa thể xuyên thủng phòng tuyến Nga.
"Ukraine đã mất hơn 500 xe tăng trong giao tranh và phải rút nhiều khí tài từ kho niêm cất, trong đó có những chiếc T-72 Ural ra đời cách đây nửa thế kỷ. Lữ đoàn số 22 không phải đơn vị được trang bị tốt nhất hay kém nhất của Ukraine, nhưng là ví dụ cho thấy Kiev đang phải tận dụng mọi nguồn cung, dù là chắp vá nhất, để bảo đảm trang bị cho lượng lớn lữ đoàn mới thành lập", Axe nhận định.
Vũ Anh (Theo Forbes)