Hội nghị của Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Tham dự có các lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành và các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội. Trong đó, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) kỳ vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ban ngành cần ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ carbon, lợi ích đối với khách hàng khi tham gia tín dụng xanh.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, LPBank đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất. Các biện pháp này sẽ giúp khách hàng sớm khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Tiến cũng đề xuất tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, bổ sung thêm đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vào danh sách được hỗ trợ.
Để đạt được điều này, LPBank triển khai gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này với hạn mức hơn 15.600 tỷ đồng. Trong đó 9.600 tỷ đồng dành cho dự án năng lượng xanh và 6.000 tỷ đồng cho các dự án nông nghiệp xanh. Tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh của LPBank tính đến cuối quý III/2023 đạt mức ấn tượng: 2.863 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao chiếm 2.857 tỷ.
Theo ông Tiến, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tần suất và cường độ của các cơn bão như Yagi. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và ưu tiên tín dụng xanh trong thời gian tới nhằm góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường tự nhiên và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội cho đất nước", lãnh đạo ngân hàng nói.
Việc LPBank ưu tiên tín dụng xanh nằm trong định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về dịch chuyển dòng vốn cho vay tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo ông Hồ Nam Tiến, các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng, phát triển khách hàng. Do đó, cần sớm có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh và bảo hiểm tín dụng xanh.
Ngoài ra, ngân hàng vừa triển khai các chương trình giảm lãi suất vay từ 0,5% đến tối đa 2% cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Chương trình có quy mô tới 29.700 tỷ đồng cho hơn 63.200 khách hàng. Các giải pháp giảm nợ đồng thời được áp dụng phù hợp.
Để đạt được kết quả trên, nhà băng triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh phát triển tín dụng bán lẻ ở khu vực nông thôn thông qua mạng lưới 566 chi nhánh và phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành. LPBank cũng đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện, hỗ trợ phê duyệt tín dụng, giúp rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Từ đó, ngân hàng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu mới. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,7%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1% vào cuối năm nay", ông Hồ Nam Tiến nói.
Trong 8 tháng đầu năm, LPBank giảm đến 3,5% lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng. Tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 100.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà băng còn đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất cố định đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn, khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô 9.000 tỷ đồng... với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5% một năm. Có gần 900 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình này. Hiện nhà băng ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 43.998 tỷ đồng tương đương tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hàng là 15,97%.
Thái Anh