Hơn 18h30 tối, chị Hồ Thị Thi (30 tuổi) đội chiếc đèn pin lên đầu rồi ra khỏi nhà sàn, nhìn về cuối thôn A Doi Đớ (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) í ới gọi thêm nhiều chị em khác để cùng đến lớp xóa mù chữ. Chị đi làm rẫy sắn về lúc 17h, vội nấu cơm cho chồng và ba con nhỏ ăn rồi mới đi học.
Chừng 10 phút sau, 7 chị em - mang theo cuốn vở, ngòi viết chì và đèn pin - chia thành nhiều nhóm rải rác kéo nhau đến lớp. Lớp đặt tại điểm trường thôn A Dới Đớ, của Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi.
Hai tháng trước, Đồn biên phòng Ba Tầng chủ trì, phối hợp với Hội phụ nữ xã A Dơi và nhà trường mở hai lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ xã. Nhà trường hỗ trợ phòng học, bàn ghế và giáo án, tài liệu, trong khi đứng lớp là các sĩ quan biên phòng và phụ giảng là hội viên Hội phụ nữ.
Chị Thi kể nhiều năm qua không biết chữ, khi đến trụ sở xã làm giấy tờ đều phải lăn tay. "Nhìn người khác biết chữ, ký tên còn mình không biết đọc nên rất xấu hổ", chị nói. Vì không biết chữ nên chị cũng chậm nắm bắt các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của xã và hội phụ nữ so với nhiều chị em khác.
Khi nghe những người lính quân hàm xanh vận động đi học xóa mù, chị Thi đồng ý ngay. Tương tự, chị Hồ Thị Đôn (36 tuổi) nói ưng biết chữ để tự viết được tên mình, dạy con học và đi ủy ban xã làm giấy tờ.
Đứng lớp tại điểm trường A Dơi Đớ là thượng úy biên phòng Hồ Văn Hữu, 29 tuổi, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ba Tầng.
Gắn bó với bà con nhiều năm, thượng úy Hữu chia sẻ, vì nhiều người dân không biết chữ nên việc vận động, tuyên truyền pháp luật, chủ trương của nhà nước gặp không ít khó khăn. Do là người bản địa, biết được tiếng của bà con Vân Kiều, thầy Hữu được phân công phụ trách một lớp học.
Khóa học xóa mù kéo dài 6 tháng, mỗi tuần học 3 buổi vào các thứ ba, năm và bảy, từ 19h đến 21h. Mỗi lớp có 30 đến 35 học viên, là phụ nữ trong độ tuổi 30-40, một số ít 16-17 tuổi.
Những buổi đầu lên lớp, thầy Hữu kết hợp tiếng địa phương và tiếng phổ thông để giảng bài, động viên bà con chăm chú nghe giảng, chuyên cần đi học. Do bận việc gia đình, đồng áng, các học viên chủ yếu học bài trên lớp, ít có thời gian ôn tập ở nhà. "Chị em đều lớn tuổi, tay cứng nên rất khó tập viết", thầy Hữu nói.
Lớp học của thầy Hữu chia làm hai nhóm, một nhóm theo học từ đầu khóa, nhóm còn lại khoảng 10 người mới học được hai tuần nên được một hội viên Hội phụ nữ A Dơi kèm cặp riêng. Dù vậy, sau hai tháng nỗ lực, các chị em đều đã biết đánh, ghép được một số từ đơn giản, một số người tự viết được tên mình.
Tương tự, tại điểm trường thôn Prin Thành, thiếu tá Hồ Văn Hai (45 tuổi) cho hay do độ tuổi học viên không đồng đều nên khả năng tiếp thu cũng chênh lệch. Người trẻ học nhanh hơn, còn người già phải hướng dẫn từng tý một. "Ban đầu rất vất vả, tôi cầm tay họ viết từng chữ. Có nhiều nét chị em không viết theo mẫu được, viết chữ o rồi kéo một nét ở dưới ra thành chữ a", thầy Hai nói. Đến nay, một số học viên trẻ tự viết và đọc được tên mình.
Chị Hồ Thị Thông, Hội phụ nữ xã A Dơi cho hay, Hội có 420 hôi viên với tỷ lệ mù chữ khá cao. Ban đầu, lớp học chỉ có hơn 10 học viên, do nhiều chị em bận việc gia đình, chồng không ủng hộ nên chưa kịp đăng ký. Sau này, nhiều chị em đi học về thấy thích thú nên rủ dần khiến lớp đông thêm.
"Chị em rất chuyên cần, ham học. Việc xóa mù giúp chị em tự tin hơn trong cuộc sống, tiếp cận nhiều hơn các cơ hội để cải thiện sinh kế và cuộc sống’, chị Thông nói.
A Dơi là xã vùng sâu, vùng xa, ở phía Nam huyện Hướng Hóa, cách trung tâm huyện lỵ thị trấn Khe Sanh khoảng 40 km. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Theo số liệu của Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Hướng Hóa, xã A Dơi đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 - tức có ít nhất 90% số người trong độ tuổi 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (đã hoàn thành giai đoạn 2 chương trình xóa mù chữ hoặc hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học).