Linh mục Đaminh Trần Quang Vinh, 41 tuổi, Quản xứ Giáo xứ Gân Reo, chia sẻ một tuần nay đã quen với việc đứng đón các em từ ngoài cửa nhà thờ và sắp xếp vào lớp. Là làng nghèo với hầu hết người dân tộc K'ho, Mạ, học sinh Gân Reo thường chỉ học hết cấp 1, sau đó ở nhà làm nông hoặc đi làm thuê.
Năm nay, dù đã lùi lịch tựu trường đến giữa tháng 9, học sinh Lâm Đồng vẫn không thể học trực tiếp. Theo thống kê của trường THCS An Hiệp, xã Liên Hiệp, khoảng 200 trong số 600 học sinh của trường thiếu thiết bị học trực tuyến, riêng làng Gân Reo hơn 100 em.
Nghe tin, linh mục Vinh lo lắng. "Bình thường, việc động viên, hỗ trợ để học sinh không bỏ học đã khó khăn. Nay nếu học trực tuyến kéo dài, các em bị gián đoạn học tập, tôi e ngại nhiều em sẽ không chịu quay lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát", ông giải thích.
Sau khi trao đổi với thầy cô tại trường THCS An Hiệp, linh mục Vinh quyết định tận dụng phòng học giáo lý của nhà thờ Gân Reo làm nơi học trực tuyến cho các học sinh không có thiết bị trong làng.
Chỉ trong hai ngày 18-19/9, ông cùng hội đồng giáo xứ cấp tập chuẩn bị 8 phòng học. Để có đủ một laptop và TV tại mỗi phòng cho học trò, linh mục Vinh phải mượn của người dân hoặc các nữ tu, còn lại vận động những em có thiết bị đến học chung với các bạn.
Buổi học trực tuyến từ máy tính sẽ được kết nối đến màn hình TV để học sinh tiện theo dõi. Vay mượn xong phần thiết bị, ông liên hệ với nhà mạng để nâng cấp gói cước Internet cho buổi học không bị gián đoạn đường truyền, kinh phí từ quỹ của giáo xứ.
Với 8 phòng học, hơn 100 học sinh sẽ học theo từng lớp và khối. Những em khối 7 và 9 sẽ học buổi sáng từ 7 đến 11h, khối 6 và 8 học 13-17h, bắt đầu từ 20/9. Mỗi buổi, ngoài linh mục Vinh, bốn nữ tu sẽ hỗ trợ các em trong việc kết nối thiết bị, nhắc nhở nền nếp.
Tạm yên tâm về sự vận hành của lớp học, linh mục Vinh vẫn còn nhiều nỗi lo. Việc mượn thiết bị chỉ là giải pháp tình thế, kéo theo nhiều bất tiện. Chẳng hạn, khi dùng máy tính của một học sinh, nếu em đó nghỉ, cả lớp sẽ không có thiết bị để học buổi hôm ấy. Chưa kể khi mang về nhà, học sinh không biết thao tác, lỡ xóa hoặc thay đổi phần mềm thì hôm sau phải cài đặt lại từ đầu.
Còn với TV, cả 8 chiếc đều mượn từ nhà dân. "Họ cho mượn thì phải hy sinh nhu cầu giải trí, thông tin của mình. Mượn một vài tuần thì được nhưng có thể phải học trực tuyến hết kỳ I nên tôi chưa biết làm thế nào", linh mục Vinh nói.
Sau 1-2 ngày đầu chưa nhịp nhàng, những buổi học trực tuyến của trẻ em làng Gân Reo dần đi vào nếp. Các em đi học đủ và tự giác hơn, cũng không còn đến muộn. Thời điểm này, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại Lâm Đồng đều tạm ngưng nên linh mục Vinh và các nữ tu tập trung vận hành lớp học.
Nhớ lại lúc nhận được cuộc gọi của linh mục Vinh về việc thành lập lớp học online ở nhà thờ Gân Reo, thầy Nguyễn Hữu Minh, Hiệu trưởng trường THCS An Hiệp, vẫn thấy ấm lòng. Việc học trực tuyến tại các vùng xa, nơi hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số, rất khó khăn, "không đừng được mới phải làm". Năm nay, 1/3 số học sinh của trường An Hiệp không có thiết bị học trực tuyến, thầy cô phải sắp xếp để các em đến nhà học cùng nhau.
Khi biết hơn 100 học sinh làng Gân Reo được học tại nhà thờ, thầy Minh rất vui. "Được linh mục Vinh chia sẻ khó khăn trong lúc dịch bệnh, chúng tôi cảm thấy biết ơn", thầy Minh nói. Trong những ngày đầu tiên, thầy Minh cùng cùng giáo viên đã tới Gân Reo hỗ trợ thêm thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh.
Hiểu rằng các lớp học tại nhà thờ không thể tạm bợ trong ngày một ngày hai, thời gian tới, linh mục Vinh mong muốn nhận được hỗ trợ về mặt thiết bị để hoàn trả TV và máy tính cho bà con trong làng. Cùng với đó, ông dự định nâng cấp loa ở các phòng để học sinh tiếp thu bài tốt hơn.
"Còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng việc có thể giúp các em không bị gián đoạn học tập là niềm vui lớn của tôi. Đây cũng là động lực, giúp tôi tin tưởng và cố gắng duy trì những lớp học đặc biệt này", ông nói.
Thanh Hằng