Long Môn là một trong những xã xa xôi nhất của Minh Long, cách trung tâm huyện hơn 20 km về hướng Tây với khoảng 50% dân số là đồng bào H'Re. Khi điện thoại thông minh và máy tính vẫn còn chưa "phủ sóng", thì năm học này, các học sinh bắt đầu làm quen hình thức học trực tuyến.
6h, em Đinh Thị Tiếp, lớp 9, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Long Môn cầm chiếc điện thoại của cha đi bộ nửa km lên quả đồi trong làng để dò sóng. Em gái Tiếp học lớp 4 cũng cầm điện thoại cũ đã nứt màn của mẹ theo chị lên đồi.
Nhà của Tiếp ở thôn Cà Xen, địa hình đồi núi mấp mô, nhà nào nằm ở vùng lõm không thể đón sóng 4G. Bữa học đầu tiên, thầy giáo đã đến nhà hướng dẫn em cài đặt các phần mềm học trực tuyến. Sóng điện thoại chập chờn nên loay hoay mãi em mới "vào" được lớp, nhưng hình bị nhoè, ngắt tiếng giữa chừng.
Rút kinh nghiệm, hôm sau Tiếp cầm điện thoại lên quả đồi này, chọn được vị trí có sóng mạnh nhất. Nữ sinh nói, từ khi lên đồi, em không bỏ buổi học nào. "Tiết học đầu tiên thường bắt đầu hơn 7h nhưng 6h em đã lên đồi dò sóng, khi có sóng mạnh và vào lớp sớm sẽ không bị mất tín hiệu khi học", Tiếp nói.
Không chỉ riêng chị em Tiếp, nhiều học sinh ở xã Long Môn ở vùng lõm cũng phải lên các vị trí cao như sườn dốc, núi đồi để có sóng mạnh học trực tuyến.
Hình ảnh trò Tiếp ngồi học trên ngọn đồi được một thầy giáo chụp lại màn hình tuần trước. Thầy Trương Quốc Đạt, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ hình ảnh đó, cùng nhiều hình ảnh rất khác biệt với miền xuôi: học sinh học online trong nhà sàn, nhiều em xem chung trước một chiếc điện thoại; giáo viên về làng sửa lỗi phần mềm; giáo viên "ship" bài giảng tận nhà cho học sinh.
Thầy hiệu trưởng cho biết, trường có 228 học sinh trong đó nhiều em không có thiết bị để học. Nhưng khi ngành giáo dục thống nhất áp dụng dạy học online, trường vẫn tìm cách triển khai."Dạy được chữ nào hay chữ ấy, khơi dậy niềm đam mê học tập còn hơn để các em ở nhà chơi game", thầy Đạt nói.
Hình thức học này dành cho lớp 3 đến lớp 9. Những em không có điện thoại, thầy cô giáo chia các em theo nhóm để học cùng các bạn có thiết bị. Em Đinh Văn Tuất, học sinh lớp 7 của trường chiều nào cũng ghé nhà em Đinh Thị Ni để học online cùng. Em nói cha mẹ em chưa có điện thoại thông minh nên qua nhà bạn học nhờ.
Mùa này trời giông sét, mỗi khi có tiếng sấm, thầy giáo ở trường thường nhắc nhở các em cẩn thận với thiết bị điện. Hôm 20/9, khi thầy giáo của Tuất và Ni vừa nhắc xong, trường bị cúp điện, lớp học online phải dừng.
Việc học online gặp nhiều khó khăn và không phải học sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận. Do đó trường tổ chức hai hình thức dạy học khác là, hướng dẫn phụ huynh các em lớp 1,2 xem các bài giảng trên truyền hình. Ngoài ra giáo viên đến tận nhà phát bài giảng và phiếu học tập cho toàn bộ khối tiểu học.
Những lúc học sinh, phụ huynh không có nhà, thầy cô giáo bỏ bài học vào ống được cắt từ chai nhựa, giống như đưa "mật thư". "Bất kể các em có học trực tuyến hay không chúng tôi vẫn phát bài giảng và phiếu học tập để đảm bảo em nào cũng được học và ôn tập kiến thức", thầy KaMach nói.
Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, năm học này toàn tỉnh có 66.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Song dịch diễn biến phức tạp nên ngành giáo dục phải triển khai hình thức dạy học này ở tất cả địa phương.
Chỉ đạo mới nhất của tỉnh, các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi phải dạy học trực tuyến đến khi có phương án mới. Còn huyện Minh Long, cùng với Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tây, Sơn Hà, Lý Sơn và thị xã Đức Phổ bắt đầu được dạy trực tiếp từ 27/9, tùy diễn biến dịch bệnh.