Một tuần qua, vào 13h30 mỗi ngày, khoảng 800 nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bắt đầu các buổi tập huấn trực tuyến về Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện, cho biết những nhân viên này sẽ là lực lượng nòng cốt, tham gia điều trị tại Bệnh viện dã chiến 500 giường đang được gấp rút xây dựng để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Hà Nội.
Bệnh viện huy động các bác sĩ ở tất cả chuyên ngành như nội, ngoại, da liễu, nam khoa... tham gia học. Nội dung tập huấn là đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn liệu pháp thở oxy cho người bệnh, thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập, cách cài đặt máy thở ban đầu, lọc máu ở bệnh nhân Covid-19, liệu pháp chống đông ở người nhiễm nCoV... Thời gian tập huấn dự kiến kéo dài đến 6/8.
Là người có mặt khá sớm, bác sĩ Đỗ Văn Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, nói anh luôn cố gắng thu xếp công việc dang dở để đúng giờ vào lớp. Bàn làm việc ngoài chiếc laptop còn là danh sách câu hỏi anh chuẩn bị để trao đổi trước khi vào bài.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia buổi họp trực tuyến lên đến 800 người, ai cũng tự giác, một tuần trôi qua nhưng quân số không hề giảm. Ai cũng xác định học để làm và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào", bác sĩ Minh nói.
Mỗi buổi học gồm hai nội dung, do bác sĩ từng có kinh nghiệm chống dịch đứng lớp. Các nội dung đơn giản hơn như sàng lọc, phân loại bệnh nhân được dành nhiều thời gian, bởi đây là mối quan tâm của số đông.
"Những bác sĩ không thuộc chuyên ngành hồi sức sẽ chú trọng kiến thức đơn giản trước để tham gia điều trị tầng thấp. Còn để điều trị được bệnh nhân nặng, y bác sĩ cần thêm rất nhiều thời gian để học và trau dồi kỹ năng", bác sĩ nói.
Bác sĩ Minh nhớ như in diễn tiến của một bệnh nhân nặng được kể lại trong buổi học hôm 2/8. Bệnh nhân nam, đang ngồi thở, SpO2 chỉ còn 62 đến 65% trong khi một người bình thường phải từ 95 đến 100%. Anh được giảng viên giải thích đây là trường hợp thiếu oxy tiềm ẩn, "nếu vận động gắng sức, bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào".
"Nếu là trước đây, anh em ngoài chuyên ngành hồi sức sẽ không ai để ý cách xử trí cho tình huống này. Giờ thì khác, tôi hiểu ra nếu mình không phân loại tốt, không theo dõi đủ, không biết bệnh nhân chuyển biến nặng thì có thể mất bất cứ lúc nào", bác sĩ Minh nói.
Ý thức được điều này, anh và các bác sĩ khác học thêm cách phân loại và theo dõi diễn tiến. Việc chẩn đoán, phân loại đúng bệnh nhân sẽ giúp để giảm bớt gánh nặng cho đồng nghiệp tuyến sau.
"Đại dịch giúp nhân viên y tế chúng tôi trưởng thành và rèn giũa bản thân. Tất cả đang nhìn về một hướng là chiến thắng đại dịch. Mà muốn thắng thì phải chăm chỉ học hành", bác sĩ nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, từng là trưởng đoàn chi viện Phú Yên, được mời đứng lớp. Anh chỉ được thông báo trước một tuần để chuẩn bị nội dung bài giảng.
"Tôi tưởng đây là buổi trao đổi cho các bạn sinh viên và trẻ nhưng không ngờ còn có cả nhiều trưởng khoa, phó khoa, có người từng là thầy giáo của tôi khi còn học tại trường. Có chút choáng ngợp", anh Nguyên nói.
Đợt tập huấn tập trung vào vấn đề hồi sức gồm thở oxy và lọc máu trước, sau đó sẽ có buổi học về kiểm soát nhiễm khuẩn, nguy cơ lây nhiễm chéo và thực hành trước khi các y bác sĩ vào điều trị bệnh nhân Covid-19.
Buổi học có rất nhiều câu hỏi thú vị của "học viên" về máy đo oxy, trữ oxy, thở oxy tại nhà, điều trị tại nhà, dự trữ thuốc. Nhiều người muốn "thầy" dạy cách thở đúng nên anh trực tiếp hướng dẫn hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, chu môi để phế nang giãn nở hay liệt kê một số dấu hiệu trở nặng cho F0, F1 cách ly tại nhà. Bác sĩ Nguyên đánh giá thông qua đợt tập huấn, gần 800 y bác sĩ đủ kiến thức và hành trang để điều trị người bệnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Minh nói, nhiều người tưởng rằng bệnh nhân Covid-19 với phẫu thuật ngoại khoa hay nội khoa không liên quan, nhưng thực tế lại khác. Theo anh, một người đến cơ sở y tế với vai trò là người bệnh chứ không chỉ riêng một cái bệnh. Ví dụ, bệnh nhân khớp gối có thể kèm có tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có Covid-19. Một bệnh nhân bị gãy xương từ vùng dịch tễ, từng tiếp xúc F0, có nguy cơ mắc Covid-19, "nhưng vẫn phải chữa gãy xương chứ không chỉ chữa Covid". Việc hiểu về Covid-19 giúp bác sĩ tự bảo vệ mình, tránh nguy cơ lây nhiễm khi làm việc.
Hôm 30/7, Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội). Đây là tuyến cuối trong điều trị người bệnh Covid-19 ở thành phố, thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia.
Bệnh viện huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế, trong đó lực lượng nòng cốt là từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện do Bộ Y tế hỗ trợ. Do đó, bệnh viện đang gấp rút vừa xây dựng cơ sở mới vừa đào tạo nhân sự chi viện. Dự kiến cuối tháng 8/2021, bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động.
"Mọi người đùa nhau là chỉ muốn học không muốn hành, song ai cũng xác định nhiệm vụ trước mắt là chung tay chống dịch để cùng vượt qua giai đoạn này", bác sĩ Minh nói.
Thùy An