Trao đổi với VnExpress, ngày 29/7, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết tình hình dịch trên địa bàn hiện nay rất khó đánh giá vì còn nhiều ca "lỗ mỗ" trong cộng đồng, không tập trung một chỗ mà rải rác ở nhiều quận huyện. Tuy nhiên, các ca nhiễm xuất hiện trong cộng đồng là tình huống đã được dự báo, vẫn kiểm soát được.
"Sẽ tiếp tục có thêm nhiều F0 được phát hiện thông qua xét nghiệm người ho sốt, nhiều ca chưa rõ nguồn lây nên chưa thể dự báo thời điểm nào kiểm soát được. Hiện, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tăng cường lấy mẫu, truy vết đến cùng nhưng thỉnh thoảng phát sinh ổ mới, nên phải một vài ngày nữa mới dự đoán tiếp được", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thành phố không chỉ sàng lọc người ho sốt (bởi đây là nhóm nguy cơ rất cao) mà yêu cầu những người khi có triệu chứng nghi ngờ phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống Covid-19, để được hướng dẫn kịp thời. Hiện, tổng số ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng là hơn 170.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, trong phiên họp báo ngày 24/7, cho biết đợt dịch này chủ yếu do biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn chỉ từ 2-3 ngày.
Tính từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 981 trường hợp dương tính nCoV, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 602 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 379 ca. Trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận khoảng trung bình 50 đến 60 ca và tiếp tục tăng trong ngày tới do nhiều F0 lẩn khuất trong cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu, hiện là Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, đánh giá "nguy cơ lây lan virus tại Hà Nội luôn rất lớn" do người dân từ nhiều địa phương đổ về, nhu cầu giao lưu, đi lại lớn.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc tất cả người dân có biểu hiện ho, sốt trên địa bàn thành phố để chủ động phát hiện người nhiễm nCoV trong cộng đồng. Theo ông, đây là cách làm khoa học để phát hiện, sàng lọc các ổ dịch và dập kịp thời. Kết quả cho thấy "Hà Nội luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn, các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng, rải rác trên nhiều quận, huyện, khu vực thay vì tập trung ở một nơi", ông Phu nói.
Đáng chú ý, thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm virus ở trong cơ sở y tế, gần nhất là Bệnh viện Phổi Hà Nội, hay trong Công ty SEI thuộc khu công nghiệp Thăng Long. Đây đều là khu vực tập trung đông người nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Do đó, trước mắt thành phố cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng để sớm khoanh vùng, dập dịch; đồng thời xét nghiệm diện rộng có chỉ định như khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, chợ... để đánh giá nguy cơ.
"Chúng ta có thể hy vọng Hà Nội có thể sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách. Quan trọng hơn là ý thức chấp hành của người dân, càng hạn chế ra đường tụ tập tiếp xúc đông người càng tốt", ông Phu nói.
Về ổ dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, phó giáo sư Phu đánh giá "nguy cơ là rất cao" khi lây nhiễm trong bệnh viện nhưng sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus, bệnh viện lập tức phong tỏa. Công tác truy vết, điều tra dịch tễ đang được bệnh viện tiến hành rất khẩn trương. Ổ dịch ở khu công nghiệp Thăng Long, chợ Cửa hàng mới tại Đông Anh... được kiểm soát tốt.
Sở Y tế Hà Nội đang tập trung kế hoạch điều trị 1.000 ca nhiễm và chuẩn bị kịch bản cho các tình huống 5.000, 10.000, 20.000 và 50.000 ca, đồng thời áp dụng mô hình điều trị bốn tầng. Trong đó tầng 3-4 chữa trị bệnh nhân nặng và rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Đẩy mạnh tiêm vaccine càng nhanh càng tốt, chủ yếu là đối tượng lao động, thường xuyên ra ngoài, nguy cơ nhiễm cao.
Từ 6h ngày 24/7, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 trong 15 ngày. Hôm 28/7, CDC cũng xây dựng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế.
Thùy An