Đó là lúc tôi thấy người ngồi cạnh mình trên xe khách đưa tay sờ nắn túi quần sau của người đàn ông hàng ghế trước. Tôi giơ tay ra, nhưng chưa kịp đập vai nhắc ông thì tên trộm đã đưa lưỡi dao lam gí sát kèm lời thì thầm đe dọa.
Những năm 1990, tôi thường đi tuyến xe khách Hà Nội - Nam Định về nhà, mục đích chính là xin tiền bố mẹ. Ngày ấy, sinh viên học ở Hà Nội hết tiền chỉ có thể nhờ người nhà gửi qua đường bưu điện, gửi qua người quen hoặc về nhà lấy.
Mới kết thúc kỳ thi, tôi bắt xe khách về Nam Định. Đang nghĩ ngợi viển vông thì xe dừng. Hai người khách mới lên đi dép cao su. Người mặc áo may ô, quần bò ngồi cạnh tôi. Thanh niên mặc quần ka-ki màu xanh lá đứng phía sau.
Tôi không biết anh ta hành nghề móc túi, cho đến khi thấy hắn loay hoay tìm cách moi chiếc ví trong túi quần sau người đàn ông lim dim ngủ. Chiếc túi hộp của cái quần công nhân đã được khâu hai cái cúc, cài thêm chiếc kim băng ở giữa. Moi ví không xong, tên trộm dùng lưỡi dao lam rạch một đường ngang dưới hai cái cúc, miệng chiếc túi mở toang hoác. Cái ví vỏ đã sờn trồi ra, nằm tênh hênh trước mắt tôi. Nhưng tôi đã im lặng, nhìn hắn moi chiếc ví chuyển ngay cho tên đứng sau.
Tên đứng sau gõ vào thành xe, tài xế dừng lại. Hai thanh niên nhanh chóng xuống xe. Khi ấy, bác ngồi cạnh tôi mới đập vai người đàn ông bị rạch túi báo tin. Khổ chủ hoảng hốt lục tìm, mặt tái đi. Số tiền ông đi làm thợ xây trên Thái Nguyên, dành dụm cả năm, tính mua cho con gái cái máy khâu để nó đi làm. "Thế mà bọn ác ôn...", ông văng tục và đòi tài xế cho xuống xe truy tìm bọn trộm.
Mọi người trên xe mới nháo nhào bàn tán và can đừng làm thế. "Ông sơ sểnh thế, sao chả mất", có người nói. Hóa ra không chỉ mình tôi chứng kiến vụ móc túi, nhiều người trên xe đều biết, nhưng đều không làm gì.
"Nhóm này thường xuyên hoạt động ở đoạn này. Không cho lên xe, nó chẳng để bọn em yên đâu", phụ xe nói. Người bên cạnh tôi an ủi "thà mất tiền cháu ạ, chứ lúc ấy con dao lam nó đặt sát cổ, nó cắt một cái thì biết thế nào".
Chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh ngay lập tức tìm cách đỡ bé gái rơi từ tầng 13 làm tôi nghĩ về chính mình hơn chục năm trước.
Có thể anh có kỹ năng tốt và thêm một chút may mắn, nhưng cao hơn cả, đó chính là lòng trắc ẩn và sự thôi thúc từ bên trong của một con người. "Tôi nghĩ ngay đến con gái tôi đang ở nhà", anh nói. Việc coi người ngoài như người thân của mình đã buộc anh hành động.
Cá nhân tôi đã không coi người thợ xây ngồi trước mình trên chuyến xe khách hôm nào là người thân, tôi cũng sợ tên trộm có thể cắt cổ rồi mình bị AIDS. Tôi đã ngồi im vì chỉ lo cho mình, không dám đứng lên bảo vệ lẽ phải chứ chưa nói hy sinh vì người khác. Chính điều đó làm tôi thấy mình hèn kém đến tận bây giờ.
Bất kể ai nói gì, anh Mạnh hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh và đã được khen tặng từ chính quyền, cộng đồng. Có những người mời anh về làm với mức lương hậu hĩnh, nhiều người đòi đến nhà gặp anh, xin số tài khoản để chuyển tiền. Một số họa sĩ đã phác thảo hình ảnh của anh như người nhện Việt Nam.
"Ngôi sao" Nguyễn Ngọc Mạnh đã vụt sáng trong một xã hội dường như quá khát khao lòng tốt và sự tử tế, khát khao những hành động gợi cảm hứng thiện lương. Mới cái Tết vừa qua, chỉ 6 ngày lễ mà bệnh viện ghi nhận hơn 4.000 ca cấp cứu do "đánh nhau vì lời qua tiếng lại". Có những người còn lấy đi tính mạng của người thân. Hành động của anh Mạnh đến vào lúc tình người của chúng ta đôi khi đã nguội.
Tuy vậy, những lời tung hô quá đà khiến anh Mạnh cảm thấy "không còn là mình nữa", hay cả những phân tích rằng anh có đỡ cháu bé thật hay không, tôi e chúng sẽ làm xáo trộn cuộc sống của gia đình người đã giúp và cả người mang ơn.
Tôi mong nhu cầu khát khao cái tốt đừng bị biến thành cái cớ để mổ xẻ, phân tích đời tư của những người tốt, thậm chí khiến người trong cuộc lạc lối.
Tung hê quá mức, trong một chừng mực cũng có thể gây tổn hại. Bởi lòng tốt không bao giờ là đủ, và sự phán xét thì luôn dư thừa.
"Tôi đang cố giữ thăng bằng", như anh Mạnh nói. Tôi mong chúng ta hãy cùng nhau để lòng tốt được nhân lên. Bởi tôi tin cộng đồng còn những "anh Mạnh" khác, họ tuy không leo lên mái tôn cứu người, nhưng đều đang sống bình dị và thiện lương giữa đời thường.
Tôi cũng tự hỏi làm sao để lòng tốt được nuôi dưỡng bằng một thiết chế xã hội luôn phụng sự cho lẽ phải, bênh vực sự công bằng, để cái ác, kẻ xấu không còn ung dung trước sự im lặng của những người tự chọn cách vô can như tôi trên chuyến xe thuở ấy.
Vũ Ngọc Bảo