Nhìn vào lịch sử, tư tưởng làm cho dân hài lòng đã xuất hiện và được thực thi ở Việt Nam từ hơn nửa thiên niên kỷ trước, vẫn là nguyên lý phát triển của thời đại này.
Năm 1437, Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông giao cho việc định ra lễ nhạc của triều đình. Ông tấu lên vua rằng: "Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho nơi thôn cùng, xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu. Đó mới là giữ được cái gốc của nhạc". Vua không vui, Nguyễn Trãi xin trả lại việc định ra lễ nhạc. Vua giao việc đó cho người khác.
Thế rồi, người mong cho dân muôn nơi, xa tới tận cùng đất nước không còn lời oán thán đã bị rơi vào oan khuất tày trời. Vua Lê Thái Tông đi tuần thú vùng Hải Dương, tới vườn vải - Lệ Chi viên - của Nguyễn Trãi để nghỉ ngơi, bị cảm mạo mà qua đời. Nguyễn Trãi bị khép tội giết vua. Ông bị bắt về kinh đô, chịu hình phạt chu di tam tộc.
Từ đấy, hai người con đầu của vua Thái Tông rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, tranh giành ngôi báu. Người con thứ tư, mãi sau này nắm ngôi, mới là một bậc thực minh quân. Vua Lê Thánh Tông đã tạo ra thời Hồng Đức cực thịnh trị. Nhà nhà no đủ, nơi nơi bình an, giặc giã không còn, trộm cắp không có.
Ông cũng không chỉ làm được việc muôn nơi không có tiếng hờn oán theo tư tưởng của Nguyễn Trãi, mà còn làm cho dân được hài lòng. Vua đặt một trống lớn ở trước Cung đình để ai có gì không hài lòng thì tới đánh trống, kể cho vua nghe mà quyết.
Ngày nay, vẫn có thể nghe thấy những lời khẳng định kiên quyết về ý dân ngay từ các môn học cơ bản trong giảng đường. "Đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý. Dân muốn gì, ta phải làm nấy" - tức là dân nắm quyền quyết định; và "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân" - tức là lãnh đạo phải phục vụ dân, những điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết vẫn được truyền đạt trọng thị cho mọi sinh viên, mọi cán bộ suốt lịch sử.
Nhìn vào thực tế hiện nay, quá trình cải cách tư pháp đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Có những vụ án oan sai được minh oan, cơ quan nhà nước đã công khai xin lỗi và bồi thường. Người người đều mong muốn trong thời gian ngắn nhất, mọi oan nghiệt sẽ không còn. Tiến thêm bước nữa, làm sao để tiêu biến mọi bất an của dân dù tôi biết sẽ nhiều khó khăn mới đạt được điều này.
Bởi vì, cảnh thu nhập không đủ cho sinh hoạt cơ bản còn phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều người. Vào đời, đi kiếm việc làm đã khó, muốn có việc thì tài năng là chưa đủ mà còn phải "chi". Lập gia đình xong, không phải ai cũng có chỗ an cư, đến hộ khẩu cũng phải "chạy". Rồi cố vay tiền mua được căn hộ "còm" cũng mất dăm năm mà chẳng có giấy tờ. Cuộc sống cứ thế kéo theo nơm nớp lo âu. Sinh con rồi, gửi trẻ ở đâu cũng đầy bất trắc, con lớn lên tìm trường nào đi học cũng gian truân. Con ốm đưa đi bệnh viện thì lo lắng đủ đường. Khi phải làm giấy tờ hành chính gì cũng khó khăn. Ra đường dù đi đúng luật mà va quyệt cũng bị chửi, có khi còn bị đánh... Và nhiều thứ khác nữa, khiến cảm giác bất an luôn đồng hành với không ít người.
Tôi không nhận định một cách cảm tính, điều này đã được đo lường qua nhiều lần điều tra xã hội học. Hàng năm, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã trợ giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện điều tra trên phạm vi toàn quốc về Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là cuộc điều tra khá toàn diện về sự hài lòng của dân với cuộc sống hiện tại. Kết quả điều tra định lượng được cụ thể từng mặt, từ mức thu nhập, những vấn đề xã hội mà cư dân phải đối mặt, đời sống văn hóa cho tới việc tiếp cận dịch vụ công.
Thử lấy số liệu điều tra gần đây nhất là năm 2016 để đánh giá các mặt dân ta đã hài lòng hay chưa. Có 54% người được hỏi cho biết phải "lót tay" để xin được việc trong cơ quan nhà nước; 39% cho biết phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh; 38% cho biết phải chi thêm tiền để làm xong giấy tờ về đất đai; 35% cho biết phải chi thêm tiền để con đi học được quan tâm hơn; 31% cho biết phải chi thêm tiền để làm xong giấy phép xây dựng.
Từ khảo sát ý kiến nhiều yếu tố khác nữa, người ta đưa ra đánh giá mức độ hài lòng của dân tại mọi địa phương cấp tỉnh theo thang 4 điểm cho 6 nội dung mà người dân quan tâm.
Tổng điểm, mức độ hài lòng của người dân Hà Nội chỉ đạt mức "thấp". Cụ thể:
Sự tham gia của người dân vào giám sát: "trung bình thấp". Công khai, minh bạch thông tin quản lý: "thấp". Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước ý kiến của dân: "thấp". Kiểm soát tham nhũng: "thấp". Dịch vụ hành chính công: "trung bình cao". Cung ứng dịch vụ công: "trung bình thấp".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị. Đây là tín hiệu đáng mừng vì chắc chắn quận, huyện, thị nào bị đánh giá thấp sẽ phải tự tìm cách vượt lên.
Tất nhiên, còn nhiều yếu tố quan trọng khác: phạm vi, nội dung, đối tượng, cách thức trong khảo sát, đo lường... Và trên hết, chúng ta chờ câu trả lời thật lòng của dân rằng họ chưa hài lòng về những điểm gì. Câu trả lời là chìa khóa để cải thiện Hà Nội trở thành nơi đáng sống.
Đặng Hùng Võ