Thông tin được một lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho biết, ngày 8/5, sau gần một tháng Thủ tướng có chủ trương giao địa phương này chủ trì điều phối dự án Vành đai 4 TP HCM.
Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Công trình được chia thành 5 dự án thành phần, do các địa phương liên quan thực hiện. Tuyến đường dự kiến khởi công năm 2024 và khai thác từ quý 1/2028.
Theo UBND tỉnh Long An, dù phần dự án đi qua địa bàn tỉnh chiếm khối lượng nhiều nhất (hơn 78 km), song địa phương này không đủ tầm ảnh hưởng để tổng hợp, điều phối triển khai công trình tầm cỡ lớn có tính chất liên vùng. Cũng không thể so sánh với việc Hà Nội từng là cơ quan điều phối dự án Vành đai 4 vì thành phố này ở vị trí trung tâm và có thể lãnh đạo toàn vùng được quy định trong Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, Long An chưa từng thực hiện dự án lớn như Vành đai 4. Nếu đảm nhận sẽ rất khó và có thể sẽ gây chậm trễ cho việc triển khai, khó hoàn thành theo kế hoạch. Mặc khác, tỉnh này thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu được giao điều phối dự án cùng các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam Bộ là không phù hợp.
Cũng theo chính quyền Long An, Vành đai 4 TP HCM thuộc nhóm A, cần thông qua Quốc hội. Do đó, nếu giao Bộ Giao thông Vận tải là một cơ quan đủ mạnh về mặt pháp lý, có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia sẽ phù hợp hơn.
Trước đó, hôm 15/4, tại buổi làm việc với TP HCM Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối dự án Vành đai 4.
Hoàng Nam