Kết luận được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM sáng 16/4.
Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Dự án mang vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, quốc lộ, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đứng ra điều phối dự án này. Bởi đây là công trình có quy mô lớn, qua nhiều địa phương. Riêng Long An và Vũng Tàu khái toán kinh phí dự án trên 10.000 tỷ nên phải thông qua Quốc hội. Do đó, thành phố cho rằng cần một cơ quan chủ trì để đảm bảo đồng bộ.
Phản hồi đề xuất của TP HCM, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho rằng theo kinh nghiệm làm Vành đai 4 TP Hà Nội, địa phương chủ trì sẽ thuận lợi hơn Bộ. Nguyên nhân là dự án cần sự tham gia của nhiều bộ ngành, Bộ Giao thông Vận tải có liên quan nhưng không nhiều. Bởi nếu một địa phương là cơ quan chủ trì, khi gặp vấn đề, phản ánh lên Trung ương thì Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông do Thủ tướng làm trưởng ban, sẽ cùng các bộ xem xét giải quyết, không mất khâu trung gian.
Ông dẫn chứng đường Vành đai 4 khu vực phía Bắc qua 9 tỉnh, do Hà Nội chủ trì, nhưng hiện Bộ Giao thông Vận tải vẫn theo sát hỗ trợ bằng cách mỗi cuộc họp đều cử thứ trưởng dự, tháo gỡ vướng mắc tại chỗ. Việc các địa phương chủ trì cũng thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. "Kinh nghiệm tại Hà Nội cho thấy cách làm này rất hiệu quả", ông nói và đề nghị có thể giao cho Long An làm cơ quan chủ trì làm Vành đai 4 TP HCM, vì địa phương có đoạn Vành đai 4 dài nhất đi qua.
Trước đó tháng 9/2021, Thủ tướng đồng ý giao 5 tỉnh thành là cơ quan có thẩm quyền đầu tư các đoạn thuộc Vành đai 4 qua địa bàn. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km; Đồng Nai làm đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không tính cầu Thủ Biên), dài 45 km.
Tỉnh Bình Dương được giao xây dựng đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 49 km; Long An thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP HCM) dài khoảng 71 km; còn TP HCM làm đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài 17 km.
Theo kế hoạch đã được 5 địa phương thống nhất, cuối năm nay sẽ hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và quyết định chủ trương đầu tư tháng 3 năm sau. Việc chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành giữa năm 2024 để khởi công dự án. Công trình dự kiến thi công trong ba năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quý 1/2028.
Thu Hằng