Đoàn công tác tỉnh Long An vừa có buổi làm việc với ban lãnh đạo Khu công nghệ Chungnam (CTP).
CTP là một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của Hàn Quốc. Đơn vị này đang khảo sát và tìm kiếm vị trí đầu tư khu công nghệ CTP tại Long An. Lãnh đạo CTP kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Long An trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Hải Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An khẳng định tỉnh Long An sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư. Ông Hải cũng giới thiệu tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Trong đó, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh vào vị trí chiến lược quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế tài chính sôi động là TP HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông đang được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình lớn như đường Vành đai 3 TP HCM, cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành,... Tỉnh có cửa khẩu quốc tế, cảng quốc tế công suất lớn.

Đoàn công tác tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm với CTP. Ảnh: Ánh Hồng
Ông Hải cho biết chính quyền tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp với quỹ đất phát triển công nghiệp, đô thị được quy hoạch lớn. Lực lượng lao động trẻ có hơn một triệu người, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 71%. Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng top 10 các tỉnh, thành phố cả nước. Những yếu tố trên giúp tạo môi trường hấp dẫn để các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm hoạt động kinh doanh tại tỉnh.
Địa phương cửa ngỏ vùng Tây Nam Bộ mong muốn hợp tác với Khu công nghệ Chungnam mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư các lĩnh vực: công nghệ cao, tập trung vào các ngành công nghiệp 4.0 tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, nhiều ngành khác cũng được khuyến khích như sản xuất vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, lắp ráp ôtô; phát triển đô thị sinh thái thông minh; dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, logistics.
Tỉnh cũng ưu tiên các hệ sinh thái hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh trao đổi về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Ánh Hồng
Long An là địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn cho biết hiện nay trên địa bàn có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 9.251,6 ha, 44 cụm công nghiệp, diện tích 2.181 ha. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thành lập thêm 17 khu công nghiệp, diện tích 3.181,4 ha và 28 cụm công nghiệp, diện tích 1.808 ha. Các khu, cụm công nghiệp tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp với TP HCM và được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.
Tỉnh dẫn đầu FDI vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn. 1.200 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký trên 10,1 tỷ USD. Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu bên cạnh Singapore, Nhật Bản, Mỹ.
Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9-9,5% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng.
Khu công nghệ Chungnam được thành lập vào năm 1999, thuộc sự quản lý của Chính quyền tỉnh Chungcheongnam-do và Bộ Thương mại, Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc. CTP thiết lập hệ thống hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ với các cơ sở ươm tạo kinh doanh và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy các dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tỉnh Chungcheongnam-do đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với tỉnh Long An từ năm 2005
Ánh Hồng