Ngày 26/9 tới, Aboitiz Foods dự kiến sẽ khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi quy mô lớn bậc nhất Đông Nam Á tại Bến Lức, Long An. Với tổng vốn 45 triệu USD, nhà máy là một trong số những dự án công nghiệp nổi bật tại địa phương với công suất đến 300.000 tấn mỗi năm. Aboitiz Foods là thành viên của Tập đoàn Aboitiz với hơn 100 năm phát triển trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng, cơ sở hạ tầng, bất động sản, thực phẩm tại nhiều quốc gia.
Đơn vị này lựa chọn Long An làm nơi đặt nhà máy công suất lớn vì đánh giá cao lợi thế về hạ tầng của địa phương, nhất là hệ thống cảng thuận tiện kết nối trong nước và quốc tế.
Trước đó, trong tháng 8, Tập đoàn CS Wind của Hàn Quốc công bố dự án đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị điện gió 200 triệu USD trong Cụm dự án Cảng quốc tế Long An. Đây là nhà máy có công suất sản xuất lớn trên thế giới. Dự kiến công suất hoạt động lên đến hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng 500-4.000 tấn. Toàn bộ các thiết bị và phụ kiện giai đoạn đầu xuất nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An, ước tính từ 150.000 đến 200.000 tấn mỗi năm.
Hai nhà máy trên nằm trong số hàng chục dự án đổ về Long An thời gian qua. Những cái tên vốn "khủng" khác đổ về đây như như Aeon Mall Tân An 1.000 tỷ đồng, nhà máy Coca-Cola 3.109 tỷ đồng, nhà máy Pepsi 7.486 tỷ đồng, nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn 12.000 tỷ đồng. Điểm chung của hầu hết các dự án mới là áp dụng công nghệ hiện đại, dùng năng lượng tái tạo, hướng đến yếu tố xanh, bền vững - phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng, địa phương này đã cấp mới 65 dự án FDI, tăng 12 dự án so cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư cấp mới trên 347 triệu USD. Lũy kế, toàn tỉnh có đến 1.312 dự án FDI với tổng vốn hơn 11,3 tỷ USD. 635 trong số này đã đi vào hoạt động, tổng vốn hơn 4,2 tỷ USD. Với những chỉ số này, Long An luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn nước ngoài.
Về đầu tư trong nước, từ đầu năm 2024, hơn 1.500 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới, tăng 536, với tổng vốn hơn 13.700 tỷ đồng. Đến nay, Long An có trên 18.600 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn 385.140 tỷ đồng.
Tỉnh cửa ngõ miền Tây được đánh giá có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp. Năm 2023, Long An có Chỉ số năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí số 2 trên 63 tỉnh, thành. Địa phương này có nhiều ưu đãi, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần khẳng định "Long An cần doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp cần Long An". Bên cạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, tỉnh này thường xuyên đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe đề xuất và gỡ khó.
Bên cạnh đó, vị trí thuận lợi, tiếp giáp TP HCM cũng là điểm cộng. Bên cạnh hạ tầng hiện hữu, loạt công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn như Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM hay các tuyến giao thông nghìn tỷ liên kết miền Tây và Đông Nam bộ hình thành trong tương lai giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, tạo sức hút với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh cũng thừa hưởng lợi thế như một trung tâm logistic với Cảng quốc tế Long An. Cảng có diện tích 147 ha nằm trong quần thể 1.900 ha gồm khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ logistics, khu đô thị, cây xanh và mặt nước. Hạ tầng này có thể đón tàu tải trọng 100.000 DWT. Năm 2022, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đây đạt 2,2 triệu tấn.
Tính đến giữa năm nay, Long An có 34 khu công nghiệp với tổng quy mô hơn 9.250 ha. Các khu công nghiệp này đã thu hút hơn 1.900 dự án tạo ra việc làm cho 183.000 lao động, trong đó có trên 950 dự án FDI.
Đến năm 2030, theo quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ có đến 51 khu công nghiệp với quy mô hơn 12.400 ha. Với quy mô này, Long An có thể vươn lên đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Bình Dương, về diện tích các khu công nghiệp.
Hoài Phương