Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp là một trong ba nội dung trọng tâm trong phát triển tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025.
Sau hơn 3 năm, địa phương cửa ngõ Tây Nam Bộ đã mở 84 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại. Các lớp đào tạo này thu hút 3.500 người tham gia. Tỉnh cũng mở 140 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn khác với gần 4.200 học viên. Sau đào tạo, đã có gần 37.000 trên tổng số 42.000 lao động nông thôn có việc làm.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm tỉnh đều xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp và xem đây là việc làm thường xuyên, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững. Từ đầu năm 2023, Sở tổ chức 7 lớp đào tạo nghề phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng rau, lúa công nghệ cao. 8 lớp đào tạo nghề nông nghiệp thường xuyên cho 240 học viên.
Cũng theo lãnh đạo Sở, ngành nông nghiệp còn chiêu sinh tập trung đào tạo và tái đào tạo một số ngành nghề để theo kịp nhu cầu phát triển. "Các lớp tập huấn giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, nâng tầm nông sản địa phương", bà Khanh nói.
Bên cạnh nông nghiệp, Long An có nhiều giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao thích ứng với sự phát triển công nghiệp, khoa học, công nghệ. Toàn tỉnh có 3 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Gần đây, địa phương này tổ chức các hội nghị, tọa đàm hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tư vấn học nghề, việc làm cho hơn 40.500 học sinh cuối cấp gồm lớp 9 và lớp 12.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đào tạo nghề đáp ứng theo nhu cầu thị trường là trọng tâm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đại diện Sở cho biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hiện nay hợp tác trên 200 doanh nghiệp để triển khai đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học sinh, sinh viên.
Các cơ sở giáo dục này còn liên kết các trường đại học ở TP HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đào tạo đại học hệ vừa học vừa làm hoặc đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học
Trong đó, nổi bật là Trường Cao đẳng Long An. Trường này liên kết với Trường Đại học Mở TP HCM đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm cho 338 sinh viên chuyên ngành Luật và Kế toán, hợp tác Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học cho 31 sinh viên. Cơ sở giáo dục này còn bắt tay với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đào tạo nghề cơ điện tử theo chuẩn của Đức cho 148 học sinh, sinh viên.
Thủ phủ công nghiệp miền Tây còn có đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, tỉnh có gần 760 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường Nhật Bản 674 người, thị trường Đài Loan 68 người và các nước khác có 16 người. Nhân sự làm việc tại nước ngoài được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, học ngoại ngữ, tiếp xúc với quy trình, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Sau khi về nước, các lao động này được giới thiệu vào vị trí chuyên gia, quản lý tại các doanh nghiệp, xí nghiệp đang hoạt động.
Với những chương trình cải thiện chất lượng nhân lực, Long An đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%, trình độ cao đẳng 5.000 người, trung cấp 15.000 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 28.000 người. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đã đạt 73,35%.
Hoài Phương