Khuyến mãi 10 tỷ đồng cho một hội chợ triển lãm. |
Những ngày giữa tháng 4, mọi người đi qua Công viên 23/9 cũ đều thấy các công nhân hối hả thi công mặt bằng để chuẩn bị tổ chức hội chợ. Trong khi đó, 3 công ty nằm trong liên doanh xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM khẩn thiết đề nghị ngưng ngay việc cho thuê mặt bằng trên. Chuyện gì đang diễn ra?
Dự án xây dựng trung tâm Văn hóa Thương mại Sài Gòn do Công ty liên doanh Vijico làm chủ đầu tư (nước ngoài là tập đoàn Jinwen, Đài Loan, phía trong nước gồm: Công ty Dịch vụ Phát triển Đô thị, Công ty Công viên Cây xanh và Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành). Dự án bắt đầu từ năm 1995, nhưng hơn 6 năm trôi qua, không tiến triển được bao nhiêu. Tháng 2/2001, các cơ quan chức năng đồng ý tạm ngưng đầu tư 1 năm (sau đó, Chủ tịch tập đoàn Jinwen xin gia hạn hoãn thêm 2 năm nữa). Mới đây, một thành viên trong Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc đã tự ý kêu gọi đấu thầu, nhận đặt cọc, xúc tiến việc cho thuê mặt bằng để tổ chức hội chợ. Việc cho thuê trên không thông qua 3 công ty Việt Nam và chưa được UBND TP cho phép.
Vì vậy, 3 công ty Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM ngưng ngay việc cho thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực dự án.
Trong khi đất đá còn ngổn ngang, tranh chấp đang ở cao độ thì ngày 18/4, bốn đơn vị gồm Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Dân tộc, Công ty cổ phần Nguyễn Lê Nguyễn, Công ty Quảng cáo Hội chợ triển lãm Minh Nhật và Công ty Xây dựng Thương mại Thiên Khôn Phú đã tổ chức họp báo khai trương hội chợ triển lãm "Vận động tài trợ xây dựng trường dạy nghề giúp người nghèo dân tộc", kèm theo chương trình khuyến mãi trị giá trên 10 tỷ đồng. Ban tổ chức còn cho biết, đây là lần đầu tiên hội chợ triển lãm có chương trình khuyến mãi quy mô lớn. Thế nhưng, nhà tài trợ cho hội chợ là công ty "lạ hoắc" (Nguyễn Lê Nguyễn) chưa từng có tên trong danh sách các nhà tổ chức được phép. Ngày 18/4, Sở Thương mại đã không cho phép chương trình được thực hiện và thu hồi giấy phép tổ chức.
Cho đến nay, các vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Các doanh nghiệp đã lỡ nộp tiền cho nhà tổ chức hội chợ như đang ngồi trên lửa. Còn chương trình khuyến mãi "núp bóng" vẫn đang được tích cực tuyên truyền. Liệu sẽ có bao nhiêu người dân bị lừa trong canh bạc này nếu các cơ quan quản lý không kịp thời ngăn chặn.
Bị rút phép nhưng vẫn cứ làm hội chợ
Ngày 19/2, Sở Thương mại TP HCM đã có công văn "rút giấy phép" và đề nghị Vefac Sài Gòn (Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn) ngưng các hoạt động cho tổ chức "Hội chợ - triển lãm - hội thảo giao lưu kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ". Thế nhưng gần 2 tháng sau, Vefac vẫn không có dấu hiệu ngừng chuẩn bị. Đến ngày 18/4, sau cuộc họp báo giới thiệu về hội chợ của VCCI (đơn vị được phép tổ chức hội chợ - triển lãm), Phó Giám đốc Vefac Sài Gòn vẫn khẳng định: "Chúng tôi làm đúng theo kế hoạch". Hội chợ sẽ diễn ra vào tháng 7/2001.
Về phía Sở Thương mại TP HCM, trong công văn số 410/TM-XT ngày 19/2, giải thích với Vefac Sài Gòn: "Công ty TNHH Tổ chức triển lãm VCCI (thuộc VCCI) có chủ trương sớm hơn và có giấy chấp thuận của Sở Thương mại trước". Thế nhưng sau đó, Sở tiếp tục chấp thuận cho Vefac Sài Gòn được tổ chức hội chợ - triển lãm tương tự (sau đó Sở Thương mại đã có công văn "rút giấyphép" như đã nói). Tuy Sở Thương mại TP HCM đã xin lỗi Vefac nhưng sự tiền hậu bất nhất trên của Sở đã góp phần tạo nên sự lộn xộn trong khâu tổ chức.
(Theo Thanh Niên, 21/4)