Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Đại tá, BS.CK2 Trần Hồng Quang, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Quân y 175.
Tổng quan
- Đây là loại dị dạng lồng ngực thường gặp nhất, có thể gây chèn ép tim phổi, gây hạn chế vận động thể lực, gầy yếu và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
- Bệnh có thể phối hợp với dị dạng, cong vẹo cột sống, thường ở mức độ nhẹ.
Nguyên nhân
- Là bệnh lý bẩm sinh, xuất hiện từ nhỏ thường không rõ ràng, tiến triển theo thời gian và thường rõ nhất vào độ tuổi dậy thì khi xương phát triển mạnh nhất.
- Bệnh có tính chất gia đình, anh em ruột có thể cùng mắc hoặc bố con.
Triệu chứng và ảnh hưởng
- Hầu hết bệnh thể trung bình - nhẹ sẽ không có triệu chứng chèn ép tim phổi và không gây ra triệu chứng.
- Với các mức độ nặng hơn, các triệu chứng thường gặp gồm đau tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, khó thở, tim đập nhanh.
- Khi trẻ hoạt động nhiều gây ra tình trạng hạn chế vận động thể lực, hoạt động nhanh mệt mỏi và khó thở hơn bạn cùng trang lứa.
- Gầy, suy dinh dưỡng, kết hợp với lõm gây ra tình trạng thẩm mỹ kém.
- Các thể bệnh có thể tiến triển dần theo thời gian và nặng lên gây ra triệu chứng.
- Ảnh hưởng về mặt tâm lý: tự ti, ngại tiếp xúc với bạn bè, thậm chí tự kỷ.
Điều trị
- Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh lý dị dạng lồng ngực bẩm sinh hiện nay chủ yếu là phẫu thuật.
- Dưới hướng dẫn của nội soi khoang lồng ngực, các bác sĩ sẽ đặt các thanh kim loại được thiết kế để uốn theo hình dạng lồng ngực cần điều chỉnh với 1-2 đường mổ dài 2 cm mỗi bên. Bệnh nhân xuất viện sau khoảng 4-5 ngày.
- Độ tuổi điều trị tốt nhất thường từ 6 đến 15 tuổi. Các bệnh nhân ngoài 20 tuổi vẫn có thể phẫu thuật được nhưng quá trình hậu phẫu có thể khó khăn hơn.
- Chỉ định điều trị trong các trường hợp:
- Chỉ số đánh giá mức độ biến dạng lồng ngực nặng (Chỉ số Haller trên phim cắt lớp vi tính > 3,2).
- Có triệu chứng của chèn ép tim phổi: khó thở, tức ngực, hạn chế vận động thể lực.
- Tính thẩm mỹ, tâm lý gây ra mặc cảm, tự ti... ảnh hưởng lớn tới cuộc sống.
Mỹ Ý