Giờ ra chơi kết thúc, tôi bước vào lớp, ngỡ ngàng nhìn thấy cặp của mình bị vứt xuống đất. Trên mặt bàn, toàn bộ bút viết bị vứt tứ tung, cây thước kẻ bị bẻ làm đôi. Đứa bạn ngồi kế bên nhìn tôi với đôi mắt ái ngại. Lớp tôi có quy định, giờ ra chơi, học sinh trong lớp phải cất toàn bộ cặp vở của mình vào trong ngăn bàn, không được để bất cứ thứ gì lên trên mặt bàn. Ai làm sai quy định sẽ bị đánh vào tay. Lớp trưởng trình lên cô giáo chủ nhiệm danh sách những bạn không bảo quản cặp vở đúng nơi quy định. Mặc dù được bạn bè bênh vực, tôi vẫn bị phạt đòn. Ra về, ngồi trên xe, tôi ôm chặt lấy lưng mẹ. Ngày hôm đó đối với tôi thật tồi tệ.
Một thời gian sau, cũng trong một giờ ra chơi, tôi thấy không khỏe trong người. Nhờ có giấy phép của phòng y tế, tôi được lên lớp sớm mà không phải xếp hàng. Tôi đứng trước cửa lớp, không tin nổi vào mắt mình. Ngay chỗ ngồi của tôi, đứa bạn thân suốt ba năm của tôi, đang hất cặp của tôi xuống đất. Bạn ấy không nhìn thấy tôi. Tay bạn ấy với vào trong cặp tôi, lấy ra một quyển tập rồi vứt lên mặt bàn, chân không quên dẫm mạnh lên chiếc cặp đang nằm dưới đất. Chiếc cặp là quà sinh nhật của ba tôi bị bạn thân của tôi dẫm đạp lên không thương tiếc. Rồi bạn ấy quay đầu lại, mắt trợn to khi nhìn thấy tôi. Tôi im lặng không nói được tiếng nào, mắt nhòe đi vì ướt.
Ra về, tôi chạy theo bạn ấy, hy vọng nghe được lời giải thích chính đáng. Nhưng cái tôi nhận được là cái hất tay thẳng thừng, ánh mắt sắc lạnh và câu nói: “Tao không muốn chơi với mày nữa”. Tôi nghe rõ trái tim tôi đang vỡ vụn. Tôi nghe tiếng mẹ từ xa gọi tên tôi nhưng hai chân chẳng tài nào nhất lên được. Tình bạn của tôi phút chốc vỡ vụn như chưa từng tồn tại.
Lên cấp hai, tôi kết giao bạn mới, cũng dần quên đi chuyện buồn trong quá khứ. Tôi chơi thân với một bạn nữ. Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ. Bạn ấy hiền lại học giỏi nên xung quanh lúc nào cũng có nhiều bạn. Dần dần chúng tôi tạo thành một nhóm hay tụ tập tán gẫu. Mặc dù là một nhóm, không hiểu sao tôi luôn cảm thấy lạc lõng. Tôi không bắt nhịp được câu chuyện của những người xung quanh. Càng ngày tôi càng có cảm giác bị đưa ra rìa, giống như họ nói chuyện với tôi chỉ vì tôi đi chung với bạn ấy.
Tôi vô tình nghe được một người trong nhóm rêu rao những tin đồn thất thiệt về mình. Cả lớp nhìn tôi rồi bàn tán. Đám con trai không hiểu chuyện cũng hùa theo đám con gái trêu chọc tôi. Toàn thân tôi cứng đờ, tai tôi ù đi. Kỷ niệm buồn trong quá khứ ùa về. Cơn giận ập đến giống như cơn sóng dữ cuốn trôi toàn bộ lý trí trong tôi. Tôi không khóc, không phải lúc để khóc. Cảm giác bức bách trong người khiến tôi lao ra ngay khỏi lớp. Tôi nhìn thấy kẻ đó đang đứng nói chuyện vui vẻ với với cả nhóm. Ranh giới cuối cùng sụp đổ, tôi chỉ thẳng tay vào mặt kẻ đó, miệng buông ra những lời mắng nhiếc cay độc. Bao nhiêu phẫn uất, khó chịu, tức tối, tôi giống như con kênh bị vỡ mặc cho dòng thác lũ cuồn cuộn cuốn trôi tất cả. Bạn ấy đứng ngăn giữa tôi và kẻ nói xấu, bảo tôi không được mắng nhiếc bạn bè như vậy.
Nhìn bạn ấy bênh vực kẻ nói xấu làm tôi càng thêm tức giận. Tôi cảm thấy oan ức. Không phải tôi mới chính là người bị hại sao? Mù quáng vì cơn giận, tôi mắng luôn bạn ấy mặc cho sự can ngăn của người xung quanh. Nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của bạn ấy, có cái gì đó trong tôi bảo tôi hãy dừng lại, nhưng miệng tôi lại cứ tuôn ra những lời lẽ cay độc. Tôi nói bạn ấy là kẻ dối trá, kẻ hai mặt. Tôi bỏ đi không quay đầu nhìn lại. Tôi không cho bạn ấy cơ hội hiểu rõ tình hình, không cho bạn ấy cơ hội giải thích. Tôi đã hoàn toàn phớt lờ bạn ấy.
Tôi biết mình sai rồi nhưng tôi không dừng lại được. Tôi biết bạn ấy không có lỗi nhưng tôi quá ích kỷ để tự nhận mình đã sai. Không tự khống chế được mình, tôi để bản thân lạc lối. Cơn giận giống như một loại virus gây bệnh vậy. Chúng lan ra khắp tế bào cơ thể, nuốt chửng hết toàn bộ lý trí trong người ta, khiến ta có những hành động thiếu suy nghĩ.
Tôi hối hận vô cùng mỗi khi nhớ về chuyện ngày hôm ấy. Phải chi tôi bình tĩnh hơn, kiềm chế bản thân mình tốt hơn. Từ người bị hại tôi biến thành kẻ mắng nhiếc bạn bè. Tôi tự tay bóp nghẹt tình bạn vừa chớm nở. Giờ đây, tôi trưởng thành hơn, trầm tính hơn và cũng học cách thấu hiểu mọi người nhiều hơn. Tôi luôn tự nhủ mình phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi nói. Tôi học cách không để cơn giận lấn át mình lần nữa. Và dù cho tuổi học trò đã trôi qua lâu rồi, nhưng người bạn năm đó ơi, mình vẫn nợ bạn một lời xin lỗi, dù chỉ là lời xin lỗi muộn màng.
Bùi Thị Hoài Trang