Một cơn sóng thần ngoại giao vừa tràn qua vùng Vịnh, khi một loạt quốc gia gồm Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain, Yemen và Ai Cập bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, đẩy nước này vào tình cảnh bị cô lập hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng này sẽ không dẫn đến điều tồi tệ nhất và có thể sẽ được tháo gỡ qua các kênh ngoại giao, theo Euronews.
Ông Abdel Bari Atwan, tổng biên tập tờ al Rai của Kuwait, cho rằng cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ mối quan hệ giữa Qatar và Iran cũng như sự ủng hộ mà Doha dành cho phong trào Anh em Hồi giáo và Hamas.
Theo ông Atwan, các nước vùng Vịnh năm 2014 đưa ra thỏa thuận rằng Qatar sẽ cắt đứt quan hệ với Iran và phong trào Anh em Hồi giáo, nhưng quốc gia này đã không làm như vậy. Sau chuyến thăm tới vùng Vịnh gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nước trong khu vực đang tìm cách xây dựng một liên minh mới chống lại Iran, nhưng Qatar dường như đã tự tách mình ra khỏi liên minh này.
Atwan dự đoán rằng trong vài ngày tới, các nước vùng Vịnh sẽ tiếp tục gia tăng sức ép ngoại giao lên Qatar, khi niềm tin giữa các bên đã đổ vỡ. "Mục đích cuối cùng của họ là tăng tối đa áp lực lên Qatar, buộc nước này phải tuân thủ đầy đủ những điều kiện mà các quốc gia vùng Vịnh đưa ra", Atwan nhận định.
Trong trường hợp Doha vẫn kiên quyết không nhượng bộ dù bị cô lập, Atwan cho rằng các nước vùng Vịnh có thể sẽ chuyển sang phương án B, không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.
Tuy nhiên, chuyên gia bình luận quốc tế Ruben Banerjee, người từng sống ở Qatar nhiều năm, cho rằng kịch bản này rất khó xảy ra. Qatar là nơi có căn cứ không quân al-Udeid với hơn 1.000 lính Mỹ cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đã tuyên bố sẽ không rời bỏ căn cứ này bất chấp cuộc khủng hoảng trong khu vực. Việc các nước Arab phát động chiến dịch quân sự tấn công một quốc gia có căn cứ quân sự Mỹ gần như là điều không thể xảy ra.
Oanh tạc cơ B-1 Mỹ cất cánh từ căn cứ al-Udeid ở Qatar (Video: USAF)
Ngoài ra, liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu vẫn đang tham gia vào chiến dịch tấn công phiến quân Houthi ở Yemen và gánh chịu nhiều tổn thất về sinh lực, vật lực, tài chính. Các nước này rất khó có thể đồng thời phát động một cuộc chiến nữa nhắm vào Qatar, đất nước có tiềm lực tài chính bậc nhất trong khu vực.
Theo Banerjee, tương lai của cuộc khủng hoảng được thể hiện khá rõ trong thái độ của chính người dân Qatar. Hôm qua, rất nhiều người đổ tới các siêu thị, trung tâm mua sắm để tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm vì lo ngại các mặt hàng nhập khẩu sẽ bị Arab Saudi phong tỏa. Tuy nhiên, không một ai tỏ ra hoảng sợ hay quá lo lắng về tương lai ảm đạm của đất nước.
"Tôi cho rằng tình hình ở Qatar còn lâu mới bị coi là thảm họa", Banerjee nhấn mạnh. Ông nói rằng dù có diện tích nhỏ bé, Qatar có sức mạnh hàng đầu trong khu vực cả về tài chính lẫn khả năng định hướng dư luận.
Sức mạnh tài chính và truyền thông
Với 335 tỷ USD trong quỹ đầu tư quốc gia, thu nhập bình quân đầu người ở mức 129.726 USD, cùng trữ lượng khí đốt khổng lồ, Qatar không hề phải đối mặt với bất cứ thách thức kinh tế nào giống như người khổng lồ láng giềng Arab Saudi đang phải loay hoay đối phó.
Người dân Qatar được hưởng rất nhiều phúc lợi của chính phủ và gần như không phải làm việc mà vẫn sống dư dả. Người dân bản địa đi làm có thể có thu nhập cao gấp đôi những chuyên gia nước ngoài có trình độ tới quốc gia này làm việc.
Các nước láng giềng trong khu vực rõ ràng rất ghen tị với Qatar, nhất là với tập đoàn truyền thông Al Jazeera, thế lực có thể định hướng dư luận trên mọi ngõ ngách của thế giới Arab. Al Jazeera hoạt động một cách chuyên nghiệp, có tác động rất lớn đến dư luận toàn bộ vùng Vịnh, phần nào phản ánh chính sách đối ngoại của Qatar.
Theo Banerjee, với sức mạnh tài chính và truyền thông như vậy, Qatar nắm trong tay công cụ hoàn hảo để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, chạm tay vào những lĩnh vực gây tranh cãi nhất, chẳng hạn như cho phép các lãnh đạo phong trào vũ trang Hamas của Palestine trú ngụ, hay cung cấp nơi ẩn náu cho các thành viên nhóm Taliban. Chính những tranh cãi như vậy lại càng khiến Qatar thể hiện được quyền lực của mình.
Dàn siêu xe trên đường phố thủ đô Doha của Qatar (Video: Dlightswitch)
Chuyên gia này khẳng định dù Arab Saudi, Ai Cập và các quốc gia vùng Vịnh khác có đồng lòng gia tăng căng thẳng với Qatar, họ không đủ khả năng để đẩy nước này vào thế đường cùng và cuộc khủng hoảng sẽ sớm qua đi, giống như những lần hục hặc trước đây trong khu vực.
Trên thực tế, Kuwait, một trong những quốc gia vùng Vịnh liên quan đến cuộc khủng hoảng, đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải giữa các bên, theo BBC. Qatar cũng tuyên bố hoan nghênh biện pháp này, cho biết đang tìm kiếm "hình thức đối thoại cởi mở và chân thành" để giải quyết khủng hoảng.
"Cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay chỉ là một thời khắc khó khăn không hơn không kém. Trong mọi kịch bản, trời sẽ không sập xuống dù các nước đang cố dồn ép để cô lập Qatar", Banerjee nhấn mạnh.
Trí Dũng