Hơn hai tháng trôi qua kể từ khi Ukraine mở chiến dịch phản công được mong chờ từ lâu, song họ không giành được kết quả như mong đợi. Quá trình tiến quân của Ukraine diễn ra chậm chạp và hứng chịu nhiều tổn thất, khi vấp phải phòng tuyến kiên cố của Nga với nhiều lớp chướng ngại vật, hào chống tăng, bãi mìn và chiến hào.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định các tuyến phòng thủ phức tạp cho thấy Nga đã lên kế hoạch kỹ lưỡng như thế nào để ngăn chặn đợt phản công của Ukraine. Điều này cũng phản ánh thực tế là Nga đã tận dụng hiệu quả lợi thế về thời gian để xây dựng chiến lược ứng phó với vũ khí và cách đánh kiểu phương Tây mà Ukraine đã áp dụng.
Mùa thu năm ngoái, Ukraine mở đợt phản công bất ngờ, tận dụng các điểm yếu của Nga để tấn công như vũ bão, khiến Nga liên tiếp hứng chịu thất bại trên chiến trường và phải rút khỏi tỉnh Kharkov ở đông bắc cũng như thành phố Kherson ở miền nam Ukraine.
Tuy nhiên, đà tiến công của Ukraine sau đó chững lại, khi phương Tây cân nhắc nên cung cấp loại vũ khí gì tiếp theo cho Kiev. Thiếu vũ khí và đạn dược, quân đội Ukraine không thể tận dụng lợi thế để tiếp tục gây sức ép với Nga, buộc phải ém quân, trong khi đối phương rút về củng cố hệ thống phòng ngự.
"Lực lượng Nga nhờ đó có thời gian tái trang bị hoặc khôi phục năng lực chiến đấu, cài mìn và giành thế chủ động tại một số nơi", George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Mỹ và đồng minh viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát hồi cuối tháng 2/2022. Tiến trình này không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lầu Năm Góc đã nhiều lần đắn đo khi chuyển một số vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine do lo ngại Nga leo thang xung đột.
Các loại vũ khí khiến Mỹ và đồng minh phải cân nhắc khi chuyển cho Ukraine có pháo phản lực HIMARS, tên lửa tầm xa, xe tăng chủ lực như Leopard 2 hoặc M1 Abrams và gần đây nhất là tiêm kích F-16. Các quan chức Ukraine, trong đó có cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak, từng nhiều lần phàn nàn về sự do dự của phương Tây và nói rằng họ cần tiêm kích F-16.
"Kế hoạch cung cấp cho Ukraine những khí tài này có tính đến khi nào Ukraine giành thế chủ động, khi nào lực lượng Nga đuối sức, khi nào có tình huống có thể tận dụng. Liệu phía Nga có hưởng lợi khi quyết định viện trợ vũ khí bị trì hoãn hay không?", chuyên gia Barros nói.
Theo ông, Mỹ và các đồng minh cuối cùng cũng đi đến quyết định chuyển chúng cho Ukraine, song thường rất muộn màng, khiến Kiev bỏ lỡ thời cơ, trong khi Nga có thời gian tính toán biện pháp đối phó, khiến các hệ thống này giảm hiệu quả.
Ngay khi các nước phương Tây công bố cung cấp một loại khí tài mới nào cho Ukraine sau thời gian cân nhắc, Nga đã có sẵn phương án và chiến thuật đối phó. Điều này thể hiện trên khắp phòng tuyến của Nga, với những biện pháp rõ ràng, như bãi mìn cản trở đà tiến của xe tăng và thiết giáp phương Tây, trong đó có mẫu Leopard 2 của Đức cùng thiết giáp M2 Bradley mà Mỹ viện trợ.
Dù tránh được các loại mìn chống tăng như TM-62 của Nga, chúng vẫn có nguy cơ tổn thương trước những vũ khí khác của đối phương. Lực lượng Nga sở hữu lượng lớn pháo binh, máy bay không người lái (UAV) tự sát và trực thăng tấn công Ka-52 với tên lửa chống tăng có thể hạ gục các loại phương tiện chiến đấu hạng nặng.
Trong một số tình huống, binh sĩ Ukraine phải rời xe tăng hoặc thiết giáp sau khi chúng lọt vào bãi mìn hay mắc kẹt trong vũng lầy. Để đối phó xe cày mìn của phương Tây, công binh Nga xếp chồng các quả mìn chống tăng lên nhau, khiến khí tài này bị vô hiệu hóa vì vụ nổ lớn. Ngoài ra, Nga còn thiết lập các chiến hào giả cài sẵn mìn để dụ lính Ukraine vào, sau đó kích nổ từ xa.
Những đoạn hào chống tăng rộng và sâu cùng chướng ngại vật răng rồng cản đà tiến và thậm chí vô hiệu hóa các loại phương tiện chiến đấu của Ukraine. Điều này ngăn binh sĩ Ukraine sử dụng tăng thiết giáp hoặc phát huy hết tác dụng của chúng trong đợt phản công.
Chuyên gia Barros nhận định còn quá sớm để đánh giá những vấn đề Ukraine đang đối mặt có quyết định thành bại của đợt phản công hay không. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine không thể bỏ qua những vấn đề này và phải tìm phương án đối phó như cách gắn chất nổ lên UAV dân sự cỡ nhỏ để tập kích vị trí Nga.
"Đây sẽ là trận đánh kéo dài", chuyên gia Barros cho biết. "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên rút ra những bài học và học hỏi từ đó vì cuộc xung đột này sẽ diễn ra trong một thời gian rất dài".
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)