Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 4-6/12, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Hàn lên Đối tác chiến lược toàn diện, được đánh giá là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, "mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn", theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
"Đây là mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao, đưa Hàn Quốc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ tư của Việt Nam, cùng với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Sự kiện này mở ra một trang mới cho quan hệ song phương, với khuôn khổ hợp tác lớn hơn cả về phạm vi và mức độ", Tiến sĩ Bùi Hải Đăng, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP HCM, nói với VnExpress.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đồng nghĩa hợp tác song phương sẽ được tăng cường, mở rộng toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho tới giáo dục, khoa học công nghệ...
Ông Đăng nhận định kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2009, quan hệ Việt - Hàn trên thực tế đã vượt ra ngoài khuôn khổ này, nên nâng cấp quan hệ là nhu cầu thực tiễn từ cả hai phía. Cả Việt Nam và Hàn Quốc đã nhìn thấy những tiềm năng và dư địa hợp tác trên cơ sở chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, sau khi Hàn Quốc công bố chiến lược này và Sáng kiến Đoàn kết ASEAN.
Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên mức cao nhất mang lại lợi thế lớn về kinh tế, khi hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Kwak Sung-il, nhà phân tích cấp cao tại viện Viện Chính sách Kinh Tế Quốc tế (KIEP) của Hàn Quốc, cũng nhận định Việt Nam đang có lợi thế là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hàn Quốc vì hai nước có cấu trúc nền công nghiệp bổ trợ nhau.
"Việt Nam và Hàn Quốc có thể tận dụng lợi thế này để mở rộng và đa dạng hóa đóng góp của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hàn Quốc có khả năng sẽ tìm thêm những hướng mới để mở rộng sự tham gia của Việt Nam trong mạng lưới sản xuất quốc gia", ông đánh giá.
Tiến sĩ Đăng cho rằng tăng cường quan hệ với Hàn Quốc phù hợp với chiến lược giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc của Việt Nam và hợp tác kinh tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục là trọng tâm của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, khi quan hệ song phương được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, hai nước sẽ có khuôn khổ mới để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là an ninh, quốc phòng.
Trong tuyên bố ngày 5/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bày tỏ kỳ vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác về củng cố năng lực chấp pháp trên biển cũng như lĩnh vực quốc phòng. Đây được giới chuyên gia xem là điểm nhấn trong cấp độ hợp tác mới giữa hai nước.
Ông Đăng lưu ý Hàn Quốc là một trong 5 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 3,3% tổng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam năm 2021. Hàn Quốc đã chuyển giao 4 tàu đã qua sử dụng cho Cảnh sát biển và Hải quân Việt Nam và hai bên cũng đang duy trì nhiều cơ chế đối thoại an ninh, quốc phòng.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ Chương trình An ninh hàng hải thuộc Đại học New South Wales của Australia, hợp tác củng cố năng lực chấp pháp trên biển và hợp tác quốc phòng đều là những lĩnh vực có tiềm năng lớn giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
"Lực lượng cảnh sát biển hai nước có thể tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện, thăm cảng, thông tin tình báo hoặc tuần tra chung", ông Phương nói.
Hàn Quốc đang nổi lên là một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, xếp thứ tư toàn cầu sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Họ đã khẳng định được vị thế với hàng loạt hợp đồng vừa ký kết với các nước châu Âu, trong đó nổi bật là thương vụ bán xe tăng thế hệ mới cho Ba Lan.
Ông Phương nhận định với tốc độ phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng hiện nay, Hàn Quốc là đối tác phù hợp với xu hướng đa dạng hóa nguồn cung trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam. Ngoài ra, Hàn Quốc đã hoàn thiện mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng tại nước này, với sự tham gia của những siêu tập đoàn tư nhân "chaebol".
Trong giai đoạn phát triển quan hệ mới, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để trao đổi và tham khảo bài học Hàn Quốc, hướng đến xây dựng mô hình theo định hướng của riêng mình để củng cố và tự chủ năng lực quốc phòng.
Ông Phương đánh giá cao năng lực của ngành đóng tàu của Hàn Quốc, đặc biệt về tàu quân sự, và các trang thiết bị công nghệ cao. Giới quan sát đang kỳ vọng hai nước thắt chặt hơn nữa hợp tác trong ngành này thông qua sáng kiến thành lập công ty đóng tàu chung.
Hàn Quốc đang muốn tiến sâu hơn vào thị trường quốc phòng Đông Nam Á. Philippines vừa ký hợp đồng đóng 6 tàu tuần tra lớp Wonhae và trước đó mua 12 tiêm kích FA-50 của Hàn Quốc vào năm 2017.
"Hàn Quốc có thể trở thành một đối tác dễ làm việc với Việt Nam, do hai nước cùng chia sẻ những điểm chung về văn hóa, cách thức làm việc, thông cảm lẫn nhau và cơ chế làm việc gần gũi. Trong trường hợp Việt Nam đặt điều kiện về chuyển giao công nghệ, quá trình đàm phán, trao đổi có khả năng diễn ra thuận lợi hơn", ông đánh giá.
Một lợi thế khác mà quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc mang lại là khả năng kết nối đa phương sâu rộng hơn. Thông qua các hợp tác về an ninh hàng hải với Hàn Quốc, Việt Nam có thể tăng kết nối với những mối quan hệ đa chiều ở khu vực, trong đó có những thiết chế với ASEAN là trọng tâm hay tại khu vực Đông Bắc Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Phương.
Chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh an ninh quốc tế và khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, đang ngày càng phức tạp, Việt Nam cần đa dạng hóa hết mức mối quan hệ với mọi nước trong khu vực.
Hàn Quốc là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam khi vừa nằm trong nhóm trung cường của khu vực, vừa có vị thế và tiếng nói tương đối lớn, qua đó đóng vai trò cầu nối cho Việt Nam tăng cường hợp tác trong các thể chế đa phương lẫn hợp tác gián tiếp với những cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
"Hàn Quốc vừa là đồng minh của Mỹ, vừa có quan hệ khăng khít với Việt Nam, nên có thể đóng vai trò cầu nối để Việt Nam mở rộng không gian chính sách", ông phân tích.
Việt Nam và Hàn Quốc từ lâu đã thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, lấy hợp tác đa phương, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, làm đòn bẩy cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc khu vực.
"Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong ứng phó với các vấn đề khu vực thông qua các cam kết đa phương", chuyên gia Phương nhận định. "Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc xem Việt Nam là cầu nối để hội nhập sâu hơn với Đông Nam Á, khi Việt Nam đang giữ vai trò điều phối quan hệ Hàn Quốc - ASEAN đến năm 2024".
Thanh Danh