"Tôi ước tính mình đã bỏ qua hơn 10 triệu USD thu nhập trong tương lai, nhưng nếu phải làm việc như cũ tôi cảm thấy không cần phải kiếm thêm một xu nào nữa", Kevin, 53 tuổi, nói.
Bước ngoặt để Kevin ra quyết định này là khi đang điều hành một cuộc họp, anh nhìn quanh phòng thấy những đồng nghiệp có địa vị cao và đãi ngộ tốt nhưng không ai vui vẻ. "Lúc đó tôi nghĩ cố gắng làm gì nếu công việc không mang lại niềm vui", anh nói.
Kevin quyết định nghỉ việc, chuyển đến Boulder, Colorado để leo núi từ 2018. Quyết định của anh khiến những người trong ngành sốc và nhiều người xem anh như người hùng vì đã dám từ bỏ.
Kevin cho biết mình vẫn còn tham vọng nên gần đây đã nhận vị trí điều hành tiếp thị tại một công ty nhỏ hơn, công việc linh hoạt cho phép anh làm việc khi cần và có thể lên núi bất cứ lúc nào thời tiết cho phép.
"Đối với tôi, đây là 'niết bàn' vì vẫn muốn đi làm", anh nói. "Nhưng tôi cũng muốn đó chỉ là một phần cuộc đời, chứ không phải là phần lớn nhất trong đời tôi nữa".
Một số người nỗ lực tích lũy tiền bạc và địa vị cho biết họ đã vượt qua sự hối hả không ngừng nghỉ và đang theo đuổi cái mà họ gọi là lối sống "hậu thành tựu" (Post-Achievement) nơi gia đình, sức khỏe và đam mê được ưu tiên hơn những thành tựu trong sự nghiệp.
Những người theo lối sống "hậu thành tựu" không nhất thiết phải nghỉ hưu, ngay cả khi họ đã có đủ tài chính. Nhiều người đã chuyển sang những công việc bớt thời gian và trách nhiệm, để dành thời gian cho những hoạt động mà họ thấy có ý nghĩa hơn như thiền, guitar.
Khe Hy, người đã giúp phổ biến thuật ngữ "hậu thành tựu" trên trang web và kênh YouTube của mình nói rằng thật khó để bỏ công việc tốt mà không nuối tiếc. Anh rời bỏ công việc giám đốc quản lý quỹ phòng hộ vào năm 2015 và thỉnh thoảng vẫn cảm thấy ghen tị khi nghĩ đến khối tài sản mà các đồng nghiệp cũ đã tích lũy được.
Hiện Hy 44 tuổi, có khoảng 5 triệu USD. Số tiền có lẽ đủ để nghỉ hưu với lối sống thanh đạm, nhưng khó để duy trì cuộc sống gia đình lâu dài ở vùng ven biển California đắt đỏ. Nhiều lúc anh ước nếu ở lại Phố Wall thêm vài năm nữa, có thể sẽ không bao giờ phải làm việc nữa.
Tuy nhiên, anh vượt qua những cảm giác đó bằng cách nhớ lại công việc đã khiến mình tê liệt như thế nào. "Thời điểm quan trọng là khi bạn nhận ra không có thành tựu tiếp theo nào có thể thay đổi đáng kể mức độ hạnh phúc của bạn. Tôi coi mình đã đạt được thành tựu vì không còn thực sự phấn đấu vì bất cứ điều gì", Hy nói.
Rachel Barek, 44 tuổi cho biết chưa sẵn sàng từ chức giám đốc điều hành của công ty tiếp thị mà cô sáng lập, dù đã bán cổ phần. "Tôi rất dễ rơi vào cái bẫy trở thành doanh nhân lần nữa dù rời khỏi công ty của mình. Tôi sinh ra đã như vậy", cô chia sẻ.
Trong giai đoạn "hậu thành tựu" sắp tới, Barek dự định thực hiện một điều gì đó hoàn toàn khác biệt, ví như một "trường dạy làm đẹp". Cô nảy sinh hứng thú khi cắt tóc cho con trai trong thời kỳ đại dịch và muốn cung cấp dịch vụ cắt tóc chuyên nghiệp cho trẻ em.
Kristopher Abdelmessih, 45 tuổi cũng đã rời bỏ thị trường lao động sau khi nhận được khoảng một triệu USD vào năm 2021.
Anh cho biết động lực để anh thành công là được nuôi dạy khiêm tốn trong một gia đình nhập cư. Không có cơ hội học cao như nhiều người khác, anh đã chọn một lĩnh vực được trả lương cao và phát huy thế mạnh của mình.
"Tôi nghỉ việc không phải vì đánh mất tham vọng mà muốn theo đuổi những sở thích riêng", anh nói. Đó là dạy học cho trẻ em thu nhập thấp, tự học để có thể tự tin biểu diễn guitar trên sân khấu hay cùng gia đình du lịch 6-8 tuần mỗi năm.
Hiện anh và một đối tác đang trong giai đoạn đầu phát triển một công cụ phần mềm giao dịch. Abdelmessih hy vọng nó sẽ mang lại lợi nhuận. Nếu một ngày nào đó thành công và đòi hỏi nhiều thời gian hơn, anh sẵn sàng dấn thân vì đó là một dự án đam mê.
Bảo Nhiên (Theo WSJ)