Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2018.
Theo đó, doanh thu của SCIC ước đạt gần 12.600 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức gần 3.400 tỷ đồng; doanh thu bán vốn gần 7.700 tỷ; doanh thu tài chính khoảng 1.480 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 8.253 tỷ đồng, vượt 53% kế hoạch.
Trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, SCIC là một trong những Tổng công ty đi đầu với thoái vốn. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 986 doanh nghiệp với giá trị thu về gần 37.000 tỷ đồng trên giá vốn hơn 8.300 tỷ đồng, chênh lệch 4,4 lần.
Riêng trong năm 2018, tổng công ty có hai thương vụ bán vốn lớn tại Công ty Nhựa Bình Minh (mã CK: BMP) và Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG). Tính chung cả năm, SCIC đã thực hiện bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp và thu bỏ cọc tại hai doanh nghiệp, với chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bán vốn thành công trên giá vốn gấp gần 3 lần.
Tính đến ngày 31/12/2018, danh mục đầu tư hiện hữu của SCIC gồm 142 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 20.600 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 84.177 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác đầu tư của SCIC. Như giai đoạn 2013-2015, kế hoạch giải ngân của SCIC dự kiến là 17.456 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị thực tế thực hiện giải ngân chỉ đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch. Luỹ kế từ năm 2013 đến hết năm 2017, giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC cũng chỉ được 9.313 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thực hiện chỉ hơn 30%.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo SCIC cho biết chiến lược đầu tư của tổng công ty gặp nhiều vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp do chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy chế, quy trình đầu tư của SCIC đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi bổ sung nên việc áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc chưa hoàn tất xây dựng khẩu vị rủi ro, mức chấp nhận rủi ro cũng như hệ thống các tiêu chí sàng lọc đầu tư, tiêu chí thoái vốn dẫn tới việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư còn nhiều hạn chế. Ngoài ra cũng còn một số nguyên nhân chủ quan khác như định hướng chủ trương của đối tác và quy hoạch chung do cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
"Cơ hội đến nhanh, cũng đi rất nhanh, khi thị trường có diễn biến thuận lợi, doanh nghiệp không chớp được cơ hội mà còn phải lo thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, khả năng bỏ lỡ là rất dễ xảy ra", đại diện SCIC cho biết.
Minh Sơn